
TPHCM: Hướng dẫn cập nhật chữ ký số, chứng thư số trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GDĐT để triển khai Học bạ số (Hình từ Internet)
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM ban hành Công văn 2817/SGDĐT-VP ngày 22/5/2025 về việc hướng dẫn cập nhật chữ ký số, chứng thư số trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GDĐT để triển khai Học bạ số.
 |
Công văn 2817/SGDĐT-VP |
TPHCM: Hướng dẫn cập nhật chữ ký số, chứng thư số trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GDĐT để triển khai Học bạ số
Căn cứ Công văn 1458/BGDĐT-GDPT về tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai Học bạ số;
Căn cứ Kế hoạch 2106/KH-SGDĐT ngày 22/4/2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai Hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2024 – 2025.
Nhằm đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong công tác chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai Học bạ số tại các cơ sở giáo dục theo quy định, Sở GDĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
- Trang bị Chứng thư số con dấu đơn vị dạng USB Token vật lý; thực hiện lưu trữ, bảo quản tại cơ quan theo quy định. Chứng thư số con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập phải được cấp bởi Cục chứng thư số - Ban Cơ yếu Chính phủ (VGCA). Đơn vị ngoài công lập được phép sử dụng chữ ký số cung cấp bởi doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp (Doanh nghiệp).
- Trang bị chữ ký số cho toàn bộ lãnh đạo đơn vị. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chữ ký số lãnh đạo phải là dạng USB Token hoặc dạng SIM PKI được cấp bởi Cục chứng thư số - Ban Cơ yếu Chính phủ (VGCA). Đối với các đơn vị ngoài công lập, lãnh đạo đơn vị được phép sử dụng chữ ký số cung cấp bởi Doanh nghiệp.
- Trang bị Chữ ký số cho toàn bộ giáo viên dạng USB Token hoặc SIM PKI được cấp bởi Cục chứng thư số - Ban Cơ yếu Chính phủ (VGCA) hoặc sử dụng chữ ký số công cộng cung cấp bởi Doanh nghiệp. Đơn vị không sử dụng ngân sách cho việc trang bị chữ ký số công cộng cho cá nhân, việc mua chữ ký số của Doanh nghiệp đảm bảo dựa trên tinh thần tự nguyện.
- Thực hiện thao tác đăng ký chữ ký số con dấu nhà trường, chữ ký số lãnh đạo nhà trường, chữ ký số giáo viên, nhân viên nhà trường lên Cơ sở dữ liệu ngành.
Sở GDĐT yêu cầu các đơn vị hoàn thành những nội dung trên trước ngày 27/5/2025. Kết quả thực hiện các nội dung trên sẽ được đưa vào đánh giá trong tiêu chí thi đua lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số năm học 2025-2026 và các năm học tiếp theo, đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.
Xem thêm tại Công văn 2817/SGDĐT-VP ban hành ngày 22/5/2025 về việc hướng dẫn cập nhật chữ ký số, chứng thư số trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GDĐT để triển khai Học bạ số.
Một số nội dung lưu ý khi triển khai Học bạ số trên địa bàn TPHCM từ năm học 2024 - 2025
Theo Kế hoạch 2106/KH-SGDĐT ngày 22/4/2025 của UBND TPHCM thì sau đây là một số nội dung lưu ý khi triển khai Hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm học 2024 - 2025 như sau:
 |
Kế hoạch 2106/KH-SGDĐT |
- Học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của học sinh. Học bạ số phải được xác nhận bằng chứng thư số của nhà trường và chữ ký sử dụng chứng thư số của các cá nhân có trách nhiệm liên quan; thông tin thời gian ký số trên dữ liệu phải tuân thủ theo quy định chung về quản lý học bạ.
- Học bạ số gồm cả 2 định dạng PDF và XML có giá trị như nhau khi sử dụng trên môi trường số. Biểu mẫu xuất file PDF đảm bảo theo quy định của Bộ GDĐT và Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và chứng thư số.
- Quá trình hình thành “sổ theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số” là hoạt động thực hiện trên môi trường số không phải là thực hiện in đè dữ liệu trên mẫu có sẵn. Dữ liệu học bạ của các năm học khác nhau của cùng một học sinh được liên kết chặt chẽ trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Hệ thống này sử dụng các thuật toán và mã định danh duy nhất để quản lý, đảm bảo tính liên tục và toàn vẹn của hồ sơ học tập của học sinh qua các năm và các cấp học.
Tính toàn vẹn và bảo mật là những yếu tố cốt lõi của Học bạ số. Dữ liệu trong Học bạ số khi đã được hoàn thành quy trình xác thực (ký số bởi giáo viên, hiệu trưởng và các cấp có thẩm quyền) sẽ được niêm phong về mặt kỹ thuật. Bất kỳ sự thay đổi trái phép nào vào tệp dữ liệu này sẽ làm phá vỡ cấu trúc dữ liệu đã được niêm phong hoặc làm mất hiệu lực của chữ ký số, dẫn đến việc tệp dữ liệu đó không còn giá trị pháp lý và không được công nhận.
- Học bạ số được in ra có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy khi được xác nhận bởi cơ sở giáo dục phát hành học bạ, Sở GDĐT hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định.
- Dữ liệu học sinh, nhân sự trên CSDL theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số được đồng bộ từ CSDL ngành GDĐT, đảm bảo các quy định về dữ liệu theo Quyết định 1230/QĐ-SGDĐT.
- Sở GDĐT cung cấp giao thức cho phép các Hệ thống kết nối với CSDL theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số dùng chung của ngành GDĐT, Cổng xác thực học bạ số, Hệ thống quản lý dữ liệu Học bạ số của Thành phố thông qua Nền tảng tích hợp dữ liệu của ngành GDĐT (Trục dữ liệu).
- Việc phát hành học bạ số được kiểm soát thông qua hệ thống Hệ thống tại đơn vị; đảm bảo quy trình liên thông kết quả kiểm tra đánh giá được kiểm soát chặt chẽ, lưu vết, phân công trách nhiệm. Chữ ký số của từng giáo viên trên Học bạ số đảm bảo giáo viên chịu trách nhiệm cho nội dung phụ trách.
- Các quy định về vận hành, quản lý, lưu trữ và sử dụng Hệ thống phải thực hiện theo đúng quy định tại các điều, khoản thuộc Chương III, Chương IV Quyết định 1789/QĐ-SGDĐT ngày 14/6/2024.
15
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN