
Chỉ đạo bổ sung chức năng lấy ý kiến nhân dân trên VNeID (Hình từ internet)
Ngày 17/5/2025 Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 155-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025.
Chỉ đạo bổ sung chức năng lấy ý kiến nhân dân trên VNeID
Cụ thể, tại Kết luận 155-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan:
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bảo đảm công khai, minh bạch, đúng tiến độ, yêu cầu và bám sát chủ trương, kết luận của Trung ương.
- Thường xuyên cập nhật tình hình, tiến độ triển khai lấy ý kiến; tổng hợp đầy đủ, chính xác kết quả tham gia đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến của đại biểu Quốc hội; đề xuất phương án tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, giải trình nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau (nếu có); tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội thảo luận theo đúng quy trình.
- Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình, kết quả thực hiện công tác triển khai lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị quyết của các cơ quan, đơn vị theo phân công, trong đó tập trung đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm về sự đổi mới phương pháp, cách làm, rút ngắn thời gian thực hiện, rút gọn quy trình, thủ tục, bổ sung chức năng lấy ý kiến nhân dân trên ứng dụng VNeID… gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân về những vấn đề lớn của đất nước trong thời gian tới.
- Rà soát chương trình xây dựng pháp luật để tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định, pháp luật có liên quan trong năm 2025.
Như vậy, dựa theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì sắp tới sẽ bổ sung chức năng lấy ý kiến nhân dân trên ứng dụng VNeID, để người dân có thể dễ dàng được tham gia đóng góp về những vấn đề lớn của đất nước trong thời gian tới.
Hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân trên ứng dụng VNeID đã lần đầu được thí điểm vào đầu tháng 5 vừa rồi để lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, vào ngày 05/05/2025, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 06/5/2025 và hoàn thành vào ngày 05/6/2025.
Ngoài VNeID, cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn góp ý sửa đổi Hiến pháp trên VNeID chi tiết
Quy định về việc lấy ý kiến, tham vấn chính sách
- Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị tham gia góp ý kiến;
- Tổ chức hội nghị tham vấn Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với chính sách liên quan trực tiếp thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách trong quá trình xây dựng chính sách.
Theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội được tham vấn, cơ quan lập đề xuất chính sách mời đại diện cơ quan khác của Quốc hội, đối tượng hoặc tổ chức đại diện cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia hội nghị. Tại hội nghị tham vấn, lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách. Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm xây dựng văn bản về kết quả tham vấn chính sách trong đó phải nêu rõ quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được tham vấn.
(khoản 1 Điều 30 Luật Văn bản quy phạm pháp luật 2024)
35
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN