
Rà soát và sửa đổi Bộ luật Dân sự (Hình từ internet)
Rà soát và sửa đổi Bộ luật Dân sự
Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2025 về kế hoạch triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Trong đó, có quy định về mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân:
Mục tiêu
- Tổ chức thể chế hóa và triển khai đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 198/2025/QH15).
- Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 198/2025/QH15 đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nhiệm vụ
Nhằm khẩn trương triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh của Bộ Tư pháp sau đây:
Rà soát và sửa đổi Bộ luật Dân sự 2015 và phối hợp tham gia ý kiến với các cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại nhằm:
- Rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương mại đặc biệt là thương mại quốc tế đảm bảo nhanh chóng, công bằng, khách quan, bình đẳng;
- Bổ sung cơ chế xử lý nghiêm hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán hợp đồng;
- Bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tài sản hữu hình, vô hình của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, giảm thiểu tối đa rủi ro pháp lý.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư Pháp về công tác xây dựng pháp luật
Căn cứ Khoản 5 Điều 2 Nghị định 98/2022/NĐ-CP quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư Pháp về công tác xây dựng pháp luật:
- Trình Chính phủ dự thảo chiến lược, đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật;
- Thẩm định, tham gia xây dựng, góp ý đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình và đề nghị xây dựng nghị định; lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp soạn thảo dự án luật, pháp lệnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Thẩm định, tham gia xây dựng, góp ý dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình và ý kiến của Chính phủ đối với kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật; chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với dự án luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ;
- Lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; thông báo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) về danh mục các nội dung giao cho địa phương quy định chi tiết;
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Tùng Lâm
12
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN