
Đã có dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền về thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (Hình từ Internet)
Ngày 09/5/2025, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
 |
dự thảo Nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp |
Đã có dự thảo Nghị định phân định thẩm quyền về thương mại khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Theo đó, tại dự thảo Bộ Công Thương đã dự thảo quy định về phân định thẩm quyền tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
- Bộ trưởng các Bộ được giao thẩm quyền quản lý hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
“Điều 10. Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
…
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
…
Điều 51. Quản lý hoạt động nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài
…
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thương nhân thực hiện hoạt động gia công hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài.”
- Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý ngoại thương 2017.
“Điều 44. Cho phép quá cảnh hàng hóa
1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.”
Nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong hoạt động ngoại thương là gì?
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có các trách nhiệm được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 6 Luật Quản lý ngoại thương 2017, bao gồm:
- Chủ trì, phối hợp đàm phán điều ước quốc tế và giám sát việc thực hiện cam kết của các đối tác, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền; quản lý ngoại thương và phát triển hoạt động ngoại thương theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương, quản lý ngoại thương;
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý ngoại thương theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch y tế biên giới, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
9
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN