Yêu cầu tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB

Chính phủ đã có Nghị quyết 124, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Yêu cầu tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB (Hình ảnh từ Internet)

Yêu cầu tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 08/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2025.

Yêu cầu tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB

Tại Mục 3 Phụ lục Nghị quyết 124/NQ-CP năm 2025, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, kịp thời phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng.

- Tăng cường giám sát tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng của từng tổ chức tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng có nợ xấu ở mức cao hoặc nợ xấu tập trung ở các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; có các biện pháp, giải pháp phù hợp kiểm soát, xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường theo dõi, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á theo quy định. Tập trung hoàn thiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB bảo đảm hiệu quả, khả thi.

- Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025.

Trước đó, theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, năm nay sẽ xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt ngăn ngừa phát sinh thêm ngân hàng yếu kém mới.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng OceanBank, CB, GPBank và Dong A Bank, một bước tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng yếu kém. Qua đó, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Báo cáo cho hay, trên cơ sở phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Chính phủ về phương án cơ cấu lại Ngân hàng SCB.

Ngày 18/4/2025, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình gửi Thủ tướng về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ.​ Theo Nghị quyết 25 ngày 29/4 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân hàng SCB là ngân hàng gì?

Theo thông tin từ Cổng TTĐT Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng SCB - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Thông tin sơ lược về ngân hàng SCB:

- Tên tiếng Việt: Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn

- Tên viết tắt tiếng Việt: Ngân hàng Sài Gòn

- Tên viết tiếng nước ngoài: Sai Gon Joint Stock Commercial Bank

- Tên viết tắt tiếng Anh: Saigon Commercial Bank

- Tên viết tắt: SCB

- Hội sở chính: 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM

- Vốn điều lệ: Kể từ ngày 30/06/2021, vốn điều lệ của Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn là 20.020.000.000.000 đồng (Hai mươi nghìn không trăm hai mươi tỷ đồng)

Xem thêm Nghị quyết 124/NQ-CP ban hành ngày 08/5/2025.

7

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác