
Đề xuất trừ 200% chi phí thực tế để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Đề xuất trừ 200% chi phí thực tế để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp
Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 đối với hoạt động hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, Bộ Tài chính đề xuất quy định một số cơ chế mới như sau:
(1) Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vào nghiên cứu và phát triển tương đối thấp, khoảng 16%, thấp hơn đáng kể so với một số nước trong khu vực Châu Á. Để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư vào hoạt động R&D, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết quy định như sau:
- Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (cao hơn so với quy định hiện hành 100% theo Điều 9 Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và mức 150% theo Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Hồ Chí Minh).
** Cũng theo Bộ Tài chính, Hồng Kông có mức khấu trừ R&D cao nhất với 300% cho phần chi phí đầu tiên và 200% cho phần còn lại, không giới hạn tổng chi phí. Trung Quốc áp dụng mức khấu trừ 200% chi phí R&D thực tế, với một số ngành đặc thù được hưởng 120%. Singapore áp dụng mức khấu trừ 250% chi phí R&D đủ điều kiện trong giai đoạn 2019-2028, kèm theo lựa chọn nhận trợ cấp tiền mặt cho một phần chi phí.
- Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (so với quy định Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là tối đa 10%) để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm.
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
(2) Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Nghị quyết quy định: (i) hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030; (ii) cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.
Lê Quang Nhật Minh
19
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN