Công văn 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn

Sau đây là nội dung tại hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Công văn 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn

Công văn 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn (Hình từ văn bản)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Công văn 1760/BNNMT-MT ngày 06/5/2025 về việc hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Công văn 1760/BNNMT-MT

Công văn 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn

Theo đó, về tiêu chí lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn, căn cứ kết quả điều tra, khảo sát thực tế các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được triển khai áp dụng tại các địa phương trên toàn quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích, lựa chọn một số mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang áp dụng có hiệu quả tại đô thị và nông thôn. Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn căn cứ vào các tiêu chí sau:

* Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển

Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải căn cứ vào khối lượng thu gom, vận chuyển sau phân loại của từng loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thu gom, vận chuyển là căn cứ để xác định công nghệ, phương pháp xử lý, công suất thiết kế của dự án/cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường, không gây lãng phí. Địa phương có khối lượng chất thải thu gom sau phân loại càng lớn thì càng dễ dàng lựa chọn được các mô hình đầu tư xử lý phù hợp và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

* Địa bàn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt

Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với địa bàn phát sinh, cụ thể như sau:

- Đô thị, khu dân cư tập trung (phường, xã đồng bằng) thường phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt và địa bàn thu gom, vận chuyển thuận lợi, tỷ lệ thu gom chất thải cao và chi phí thu gom, vận chuyển thấp hơn các khu vực nông thôn (xã miền núi, vùng cao), đặc khu. Việc xử lý tập trung chất thải rắn sinh hoạt cho nhiều phường, xã đồng bằng được ưu tiên để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Nông thôn (xã vùng núi, vùng cao) và đặc khu thường có mật độ dân cư thấp, giao thông không thuận lợi, chi phí thu gom, vận chuyển cao hơn hơn đô thị, khu dân cư tập trung. Việc xử lý tập trung chất thải rắn sinh hoạt cho từng địa bàn xã miền núi, vùng cao, đặc khu được ưu tiên lựa chọn để giảm tối đa chi phí thu gom, vận chuyển.

Hộ gia đình tại khu vực nông thôn (xã miền núi, vùng cao và đặc khu) thường có quỹ đất lớn; có nhu cầu sử dụng chất thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi, sử dụng phân mùn hữu cơ để trồng các loại cây ăn quả và cây công nghiệp; chi phí thu gom, vận chuyển chất thải cao. Việc xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình được khuyến khích áp dụng nhằm giảm thiểu tối đa lượng chất thải thực phẩm phải xử lý tập trung.

* Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với các phương pháp xử lý đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, cụ thể như sau:

- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: (i) Phân loại chất thải thành các nhóm phù hợp với từng mục đích tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh,…); (ii) Phân loại, sơ chế (ép, nghiền, cắt,…), giảm thể tích trước khi cung cấp làm nguyên liệu sản xuất; phục hồi để tái sử dụng.

- Chất thải thực phẩm được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: (i) Tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; (ii) Chuyển giao cho cơ sở chăn nuôi (trang trại chăn nuôi tập trung), cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản; (iii) Xử lý chất thải thực phẩm thành mùn hữu cơ; (iv) Xử lý chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ; (v) Xử lý chất thải thực phẩm có thu hồi năng lượng sinh khối (biogas).

- Chất thải cồng kềnh: Được xử lý bằng phương pháp sơ chế (tháo dỡ, phân loại, phục hồi để tái sử dụng); cắt, ép, nghiền tạo viên nén để cung cấp nguyên, nhiên liệu cho sản xuất.

- Chất thải nguy hại: Chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần phù hợp với mã chất thải nguy hại cần xử lý theo quy định.

- Chất thải sinh hoạt khác còn lại được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: (i) Đồng xử lý trong lò nung xi măng; (ii) Đốt có thu hồi năng lượng để phát điện; (iii) Đốt thu hồi năng lượng (nhiệt); (iv) Áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường; (v) Đốt tiêu hủy không thu hồi năng lượng; (vi) Chôn lấp hợp vệ sinh.

* Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung phải phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện thực tế tại địa phương, cụ thể như sau:

- Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 đã định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng (02 khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia; 07 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng, trong đó phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ trên địa bàn tỉnh (nơi đặt khu xử lý cấp quốc gia, cấp vùng) đối với chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh.

- Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng cả nước có 16 địa phương sản xuất điện từ rác với tổng công suất 361,7 MW. Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng cả nước có 29 địa phương sản xuất điện từ rác với tổng công suất 1631,7 MW.

- Quy hoạch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thực hiện điều chỉnh, bổ sung theo chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Các quy hoạch khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện thực tế tại địa phương.

* Các tiêu chí khác

Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, điều kiện, nhu cầu thực tế tại địa phương, cụ thể như sau:

- Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu pháp luật về bảo vệ môi trường như: Có đầy đủ các thủ tục môi trường theo quy định; có phương án xử lý từng loại chất thải thứ cấp phát sinh phù hợp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường khác theo quy định.

- Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt được lựa chọn cần phù hợp với điều  kiện thực tế: Có thị trường tiêu thụ sản phẩm sau xử lý; có hiệu quả cao trong đầu tư xử lý; hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và cộng đồng dân cư khu vực đặt công trình xử lý; sự đồng thuận của cộng đồng, người dân và các tiêu chí khác (nếu có).

Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần phải được căn cứ vào tiêu chí trên và điều kiện, nhu cầu thực tế tại địa phương, chi tiết các tiêu chí lựa chọn mô hình xử lý tại Phụ lục kèm theo Công văn 1760/BNNMT-MT ngày 06/5/2025.

Xem thêm tại Công văn 1760/BNNMT-MT ngày 06/5/2025.

 

114

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác