Xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội (Đề xuất)

Bộ Nội vụ đề xuất xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội theo quy định tại Dự thảo Nghị định do Bộ soạn thảo.

 

Xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội

Xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)

Đề xuất Xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về Bảo hiểm xã hội (Đề xuất)

Tại Điều 19 Dự thảo Nghị hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề xuất quy định xử lý người vi phạm trong giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội như sau:

(1) Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm

- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định tại (2), (3), (4). Hình thức xử lý kỷ luật bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có vi phạm pháp luật nhưng chưa được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Người khiếu nại và những người có liên quan có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(2) Xử lý kỷ luật đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại

- Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau: Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại; bao che cho người bị khiếu nại; đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ sót thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.

- Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức, buộc thôi việc đối với viên chức.

(3) Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

- Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau: Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại; bao che cho người bị khiếu nại; đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền; cố ý bỏ qua bằng chứng, bỏ sót thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; hoặc cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

- Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội; hoặc cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội.

(4) Xử lý kỷ luật đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

- Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Bao che, dung túng, không xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm mà không thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật hoặc tổ chức thực hiện không đúng, không đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi có hành vi cố ý không tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Xem thêm tại Dự thảo Nghị hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội.

Lê Quang Nhật Minh

12

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác