
Đề nghị 100% hộ kinh doanh đăng ký thành lập trên VNeID (Hình từ Internet)
Đề nghị 100% hộ kinh doanh đăng ký thành lập trên VNeID
Ngày 11/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 171/TB-VPCP về kết luận phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đề án 06.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện việc đề nghị 100% hộ kinh doanh đăng ký thành lập trên VNeID như sau:
Triển khai định danh hộ kinh doanh và 100% đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ VNeID (tương tự với doanh nghiệp đăng ký trực tuyến qua VNeID); làm sạch dữ liệu và dùng VNeID để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thuê bao, đăng ký doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm, chữ ký số.
Quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Căn cứ theo Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh như sau:
- Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương VIII Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
- Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại
Mức xử phạt không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký năm 2025
Theo khoản 2 Điều 4 và điểm c khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định trường hợp không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi.
Ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm còn bị buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Các trường hợp không phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Căn cứ theo khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
Phạm Việt Trinh
27
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN