
Kết luận 150: Số lượng phó chủ tịch UBND tại thời điểm sáp nhập tỉnh, thành có thể nhiều hơn quy định (Hình từ internet)
Ngày 14/4/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có Kết luận 150-KL/TW về Hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Kết luận 150: Số lượng phó chủ tịch UBND tại thời điểm sáp nhập tỉnh, thành có thể nhiều hơn quy định
Theo đó, căn cứ quy định hiện hành và chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; để bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong công tác nhân sự ở các địa phương; sau khi xem xét đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới (Tờ trình 259-TTr/BTCTW, ngày 12/4/2025).
Theo đó, về số lượng phó chủ tịch UBND tại thời điểm sáp nhập, Bộ Chính trị có kết luận như sau:
Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định; đồng thời, việc phân công, bố trí số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc; tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.
Đối với đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới), thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là cấp uỷ viên cấp tỉnh làm bí thư đảng uỷ; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ làm bí thư đảng uỷ.
Như vậy, theo quy định, tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định. Sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.
Số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính hiện nay
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 69/2020/NĐ-CP) quy định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính như sau:
(1) Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn
- Tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xã loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
(2) Đối với đơn vị hành chính ở đô thị
- Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
82
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN