
Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em (Công văn 2148/BYT- BMTE)
(Hình từ Internet)
Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em (Công văn 2148/BYT- BMTE)
Ngày 12/2/2025, Bộ Y tế có Công văn 2148/BYT- BMTE về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em
 |
Công văn 2148/BYT- BMTE |
Trong đó, nhấn mạnh công tác xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em theo Công văn 2148/BYT- BMTE như sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Luật Trẻ em 2016 và Nghị quyết 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; hướng dẫn cha, mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em. Tiếp tục quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) khuyến khích việc phát hiện sớm, lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.
- Thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị xâm hại; giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn (đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo) bảo đảm việc tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em 2016 và các quy định của pháp luật có liên quan; xử lý kịp thời các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 15/5/2025.
Các yêu cầu bảo vệ trẻ em theo Luật trẻ em 2016
Căn cứ Điều 47 Luật Trẻ em 2016 quy định về các yêu cầu bảo vệ trẻ em như sau:
- Bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:
+ Phòng ngừa;
+ Hỗ trợ;
+ Can thiệp.
- Bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
- Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
- Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em.
- Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Xem thêm thông tin chi tiết tại Công văn 2148/BYT- BMTE ngày 12/4/2025
Phạm Việt Trinh
32
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN