
Các trụ sở cơ quan xử lý ra sao khi dừng hoạt động cấp huyện (dự kiến)? (Hình từ internet)
Các trụ sở cơ quan xử lý ra sao khi dừng hoạt động cấp huyện (dự kiến)?
Theo Điều 14 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Đã đề xuất quy định về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cấp xã thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trước sắp xếp lập danh sách và thống nhất dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương.
(2) Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính sau sắp xếp.
(3) Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
(4) Chính quyền địa phương nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; quan tâm bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị hành chính cùng sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Ngoài dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đã đề xuất quy định chuyển tiếp khi dừng hoạt động cấp huyện như sau:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự thảo Luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, 48 Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất quy định trên.
Các công trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện đang thực hiện nếu đến thời điểm ngày 01/7/2025 mà vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành trước ngày 01/7/2025 nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công Ủy ban nhân dân cấp cơ sở nơi có công trình, dự án đầu tư tiếp tục thực hiện;
Trường hợp công trình, dự án đầu tư có liên quan đến từ 02 đơn vị hành chính cấp cơ sở mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc vượt quá thẩm quyền thực hiện của chính quyền địa phương cấp cơ sở thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình tiếp tục thực hiện.
Dự kiến dừng hoạt động cấp huyện từ 01/07/2025?
Theo Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đã đề xuất sửa đổi quy định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính từ ngày 01/07/2025 như sau:
* Đơn vị hành chính
- Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
(i) Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
(ii) Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại hải đảo (sau đây gọi chung là cấp cơ sở);
(iii) Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
- Đặc khu tại hải đảo quy định tại điểm (ii) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
* Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính
(1) Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, xã.
(2) Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, phường.
(3) Chính quyền địa phương ở hải đảo là chính quyền địa phương ở đặc khu.
Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính quy định tại (1), (2) và (3) gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Như vậy, việc giải thể đơn vị hành chính cấp huyện sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 nếu dự thảo Luật trên được thông qua.
178