Mặc dù hệ thống camera được lắp đặt ở các phòng xử của các
tòa nhưng ý tưởng ban đầu và kế hoạch thực hiện lại là của VKS tỉnh An Giang.
Từ phiên tòa cải cách
Ông Nguyễn Trí Khôn, Trưởng phòng 3 (phòng thực hành quyền
công tố - kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự) VKS tỉnh
An Giang, cho biết để nâng chất xét xử, nâng chất tranh tụng, từ năm 2011, hai
ngành kiểm sát, tòa án của tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh
nghiệm.
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo VKS và tòa án thường
xuyên tổ chức cho kiểm sát viên (KSV), chuyên viên, thẩm phán, thư ký dự khán
các phiên xử theo yêu cầu cải cách tư pháp để nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp
vụ, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xét hỏi, tranh luận... Sau phiên xử, lãnh đạo
VKS (hoặc tòa án) mời cán bộ dự khán phiên tòa họp rút kinh nghiệm chung về sự
phối hợp giữa HĐXX và KSV trong việc điều khiển phiên tòa, xét hỏi, tranh luận;
ưu, khuyết điểm của thẩm phán, KSV; đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng xét xử
và thực hành quyền công tố.
“Chúng tôi nhận ra có hạn chế là mỗi lần tổ chức rút kinh
nghiệm thì những người tham gia đều bắt buộc phải đến theo dõi phiên tòa. Có những
cán bộ phải đi từ các huyện xa lên, rất mất công sức, thời gian, kinh phí. Từ
đó VKS tỉnh đã bàn với tòa án tỉnh về việc lắp đặt hệ thống camera để thay vì
chỉ có vài cán bộ theo dõi được phiên tòa rút kinh nghiệm ở cùng một thời điểm
thì tất cả cán bộ của VKS và tòa đều có thể xem” - ông Khôn nói.

Cán bộ VKS tỉnh An Giang đang theo dõi một phiên tòa dân sự qua màn hình. Ảnh:
P.THƯƠNG
Theo ông Khôn, ngoài việc tiết kiệm được thời gian, kinh phí
vì không phải cử lãnh đạo, tổ công tác và KSV trực tiếp tham gia dự khán phiên
tòa, phía VKS cũng nhận thấy thông qua hệ thống kết nối camera giám sát và Ibox
kết nối trên máy tính xách tay, lãnh đạo VKS có thể trao đổi trực tiếp với KSV
tại phiên tòa để hỗ trợ về nghiệp vụ, nhắc nhở về tác phong, văn hóa pháp đình.
Cạnh đó, cán bộ VKS cấp huyện và phòng nghiệp vụ tỉnh có thể cùng nhau trao đổi
kinh nghiệm thông qua từng vụ án cụ thể. Đó là tiền đề để các VKS cấp huyện
chia thành cụm, cùng theo dõi lẫn nhau và tổ chức rút kinh nghiệm.
Phía tòa án cũng rất hoan nghênh ý tưởng này. Sau khi được
UBND tỉnh An Giang hỗ trợ kinh phí, hai ngành đã tiến hành lắp đặt camera tại tất
cả phòng xử trong tỉnh (15 phòng) từ đầu năm nay.
Nhiều cái lợi
Hiện hệ thống camera tại các phòng xử ở An Giang luôn được mở
trong tất cả phiên tòa nhằm giúp lãnh đạo hai ngành có thể kiểm tra đột xuất,
phòng trường hợp các cán bộ tố tụng lơ là, sơ sài trong công tác chuẩn bị cũng
như tham gia phiên tòa. Biết phòng xử có camera ghi hình và thu âm, các cán bộ
tố tụng và những người tham gia tố tụng đều có ý thức trách nhiệm hơn, có tác
phong nghiêm túc, đúng mực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo văn hóa
pháp đình.
“việc lắp đặt camera ghi hình, thu âm tại các phòng xử đã phục
vụ đắc lực cho công tác xét xử được đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ,
nghiêm minh. Đặc biệt, chúng tôi còn xem đây là căn cứ để xử lý những hành vi
vi phạm nội quy phiên tòa. Ngoài ra dữ liệu camera còn là tư liệu cho công tác
xét xử phúc thẩm khi cần thiết” - ông La Hồng (Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang)
cho biết.
Về chuyện sử dụng dữ liệu camera làm chứng cứ giải quyết khiếu
nại, tố cáo, ông Lê Hồng Bào (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang) nói VKS sẽ
thống nhất cụ thể với tòa án và “nếu phù hợp với quy định pháp luật thì sẽ triển
khai chứ không có gì e ngại”.
Được biết VKSND Tối cao đánh giá mô hình camera tại các
phòng xử ở An Giang là khâu đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và
đã cử đoàn công tác vào xem cách thức lắp đặt, ghi nhận ưu-khuyết điểm, gửi đề
án trên đề nghị VKS các cấp cùng học tập. Hiện đã có hơn 10 tỉnh liên hệ với
VKS tỉnh An Giang để học hỏi, nhân rộng mô hình này.
PHAN THƯƠNG
Theo Pháp luật TP
Hiệu quả cao, chi phí thấp Camera được lắp đặt tại 15 phòng xử ở An Giang là hệ thống
camera IP có thể quét, xoay tròn, nghiêng lên-xuống và thu-phóng hình ảnh, âm
thanh. Hệ thống này cho phép việc giám sát, điều khiển có thể thực hiện tại
chỗ hoặc từ xa thông qua một địa chỉ IP riêng biệt, cho phép nhiều người dùng
cùng truy cập vào các địa chỉ IP với các tài khoản tương ứng. Đồng thời, người
sử dụng có thể điều chỉnh góc thu, hướng thu của camera, xem một máy camera
hoặc nhiều camera cùng lúc, phóng to, thu nhỏ hình ảnh đang xem... “Tính ưu việt của hệ thống camera IP chính là sự đơn giản
và tiện lợi. Nếu muốn quan sát diện tích không quá lớn, đơn giản chỉ cần một
đường truyền ADSL hoặc cáp quang và camera IP tại nơi lắp đặt là đủ. Đầu ghi
hình được thiết lập tại trụ sở chính, đồng thời ở bất cứ địa điểm nào trên
toàn cầu nếu nơi đó có mạng Internet và biết được đường dẫn, mật khẩu đăng nhập
của hệ thống thì đều có thể xem và theo dõi. Đặc biệt, camera IP đều có khả
năng ghi và tự lưu trữ vào ổ cứng, khi ổ cứng đầy sẽ có cơ chế tự báo động.
Chất lượng hình ảnh cao và ổn định, trong khi chi phí đầu tư cho 14 điểm quan
sát chỉ vào khoảng 200 triệu đồng, chi phí sử dụng chỉ 550.000 đồng/tháng cho
mỗi đường truyền cáp quang” - ông Nguyễn Thành Thái (chuyên viên phòng Thống
kê tội phạm - Công nghệ thông tin VKSND tỉnh An Giang) cho biết. Điểm sáng cần nhân rộng Lắp đặt được camera ghi hình, thu âm tại tất cả phòng xử
trong địa bàn để nâng cao chất lượng tranh tụng, phục vụ tốt công tác xét xử
một điểm sáng mà VKS tỉnh An Giang đã làm được và làm rất tốt. Tôi nghĩ VKS
các nơi khác cũng nên học hỏi. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là kinh phí. Không phải
UBND tỉnh nào cũng sẵn sàng đồng ý hỗ trợ kinh phí cho hoạt động trên như
UBND tỉnh An Giang đã làm. Ông LÊ THÀNH DƯƠNG, Viện trưởng Viện
Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao |
4,061
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN