
Kiến nghị sửa đổi quy định về giám định tư pháp (Hình từ internet)
Kiến nghị sửa đổi quy định về giám định tư pháp
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 1278/VKSTC-V14 ngày 25/3/2025 về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của Viện kiểm sát nhân dân (VKS) các cấp, đơn cử như trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự.
Cụ thể, đối với khó khăn, vướng mắc: Công tác giám định chậm, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và kiến nghị, đề xuất: Đề nghị VKSND tối cao kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, quy định về giám định tư pháp
Với ý kiến trên, VKSND tối cao cho biết hiện nay, liên ngành tư pháp trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 15/01/2025 quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, tạo cơ sở pháp lý để hướng dẫn áp dụng, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác giám định.
Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); VKSND tối cao sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc có liên quan để phản ánh, giải quyết trong quá trình xây dựng văn bản Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Như vậy, sắp tới VKSND tối cao sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc có liên quan để phản ánh, giải quyết trong quá trình sửa đổi quy định về giám định tư pháp và xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Xem xét, quyết định trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự
Căn cứ tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc xem xét, quyết định trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ vào chứng cứ, tài liệu đã thu thập được và quy định của pháp luật về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, vụ việc, để xác định trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định.
- Việc trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết chỉ được thực hiện khi chứng cứ, tài liệu đã thu thập chưa làm rõ những vấn đề phải chứng minh, cần có kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan để xem xét, đánh giá nhằm củng cố chứng cứ hoặc quyết định các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo.
- Trường hợp chứng cứ, tài liệu thu thập đã đủ để làm rõ những vấn đề phải chứng minh thì không phải trưng cầu giám định. Khi cần thêm thông tin về quy chuẩn chuyên môn để xem xét, đánh giá chứng cứ, tài liệu đã thu thập thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc tổ chức họp với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có văn bản trả lời, phối hợp cung cấp thông tin chuyên môn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP.
Nguyễn Tùng Lâm
32
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN