
03 chính sách lao động tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2025 (Hình từ Internet)
03 chính sách lao động tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2025
Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động theo
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành có hiệu lực từ 01/04/2025 gồm một số quy định như sau:
(1) Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
Theo đó, phân loại lao động theo điều kiện lao động gồm 6 loại như sau:
- Loại I.
- Loại II.
- Loại III.
- Loại IV.
- Loại V.
- Loại VI.
Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
(2) Trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động và các cơ quan liên quan
Theo đó, bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động và các cơ quan liên quan có trách nhiệm như sau:
- Người sử dụng lao động phải kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định tại Chương 2 Nghị định 39/2016/NĐ-CP ; căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả phòng chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại để đánh giá việc cải thiện điều kiện lao động của các nghề, công việc đang áp dụng; nếu cần xác định loại điều kiện lao động thì thực hiện theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH .
- Hằng năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động rà soát điều kiện lao động của các nghề, công việc thuộc ngành, lĩnh vực của mình; nếu cần xác định loại điều kiện lao động thì thực hiện theo phương pháp quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH.
- Trường hợp phát sinh nghề, công việc mới có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động thực hiện đánh giá, xếp loại điều kiện lao động theo quy định tại Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH để xác định loại điều kiện lao động của nghề, công việc đó.
Xem thêm tại Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 01/04/2025.
Quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định 44/2025/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước có hiệu lực từ 15/4/2025 gồm một số nội dung quy định về cách xác định quỹ tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước như sau:
- Quỹ tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương ổn định và chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch hằng năm doanh nghiệp lựa chọn tính đơn giá tiền lương ổn định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 44/2025.
- Quỹ tiền lương thực hiện được xác định gắn với năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện hằng năm so với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện bình quân của các năm liền trước khi xác định đơn giá tiền lương ổn định (sau đây gọi là năng suất lao động bình quân và lợi nhuận bình quân) như sau:
+ Quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương ổn định và chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tính đơn giá tiền lương thực hiện hằng năm, bảo đảm mức tăng tiền lương không vượt quá mức tăng năng suất lao động thực hiện của năm đó so với năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện năm đó không thấp hơn lợi nhuận bình quân;
+ Đối với doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận bình quân thì được tăng thêm tiền lương vào quỹ tiền lương thực hiện quy định tại điểm a khoản này theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận thì được tăng thêm tối đa 2% quỹ tiền lương, nhưng tiền lương tăng thêm không quá 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch và không quá 02 tháng tiền lương bình quân xác định trên cơ sở quỹ tiền lương thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 44/2025;
+ Đối với doanh nghiệp có lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân thì phải giảm trừ quỹ tiền lương thực hiện tương ứng theo tỷ lệ (%) hoặc theo giá trị tuyệt đối của phần lợi nhuận thực hiện thấp hơn so với lợi nhuận bình quân, bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện sau khi giảm trừ không thấp hơn quỹ tiền lương tính trên cơ sở số lao động bình quân thực tế sử dụng và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 44/2025;
+ Đối với doanh nghiệp năm thực hiện không có lợi nhuận hoặc lỗ thì quỹ tiền lương thực hiện được tính trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương chế độ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 44/2025.
Trường hợp giảm lỗ (kể cả năm thực hiện không có lợi nhuận) so với lợi nhuận bình quân thì căn cứ vào mức độ giảm lỗ để xác định quỹ tiền lương, bảo đảm tương quan chung và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.
Xem chi tiết Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4/2025.
Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ 22/4/2025 gồm một số quy định như sau:
(i) Thời gian làm việc của giáo viên
- Thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường phổ thông là 42 tuần, trong đó:
+ Số tuần giảng dạy các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông là 37 tuần (bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng);
+ Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ là 03 tuần;
+ Số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 02 tuần.
- Thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:
+ Số tuần giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học là 28 tuần;
+ Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học là 12 tuần;
+ Số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học là 02 tuần.
- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì số tuần giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền.
(ii) Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên
- Thời gian nghỉ hè theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020.
Trong thời gian nghỉ hè, giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, tham gia công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh khi cơ quan có thẩm quyền triệu tập;
- Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội;
- Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên phù hợp, đúng quy định, bảo đảm khung thời gian năm học.
Xem thêm tại Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 22/4/2025.
Lê Quang Nhật Minh
1,387