
Đề xuất chấm dứt tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng (Hình từ Internet)
Đề xuất chấm dứt tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng
Theo đó, nội dung về giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp được đề xuất tại dự thảo Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo thì để bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương khi chuyển đổi mô hình chính quyền từ 03 cấp sang 02 cấp diễn ra liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, dự thảo Luật quy định những nội dung chuyển tiếp liên quan đến một số vấn đề quan trọng, cấp bách cần ưu tiên giải quyết.
Trong đó có các nội dung cơ bản sau:
(1) Quy định trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2025), giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
(2) Quy định chấm dứt việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng...;
(3) Quy định thời hạn để các cơ quan của chính quyền địa phương cấp huyện (trước khi giải thể) phải bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền (15 ngày);
(4) Quy định về hiệu lực và thẩm quyền xử lý các văn bản của chính quyền địa phương cấp huyện (sau khi giải thể);
(5) Quy định việc tiếp tục thực hiện các công trình, dự án đầu tư, các công việc, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của chính quyền địa phương cấp huyện chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng phát sinh vấn đề cần giải quyết;
(6) Quy định việc giao cho UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp cơ sở;
(7) Các quy định khác có liên quan nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.
Đơn cử, tại Nghị quyết 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM như sau:
- Chính quyền địa phương ở TPHCM (sau đây gọi là Thành phố) là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố là Ủy ban nhân dân quận.
Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết 131/2020/QH14 và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường.
Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết 131/2020/QH14, theo phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố và theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thành phố thuộc Thành phố.
- Việc tổ chức chính quyền địa phương ở huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
|
Xem thêm tại dự thảo Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
 |
Dự thảo Tờ trình |
94
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN