Ông Nguyễn Văn Phúc - đại biểu Hà Tĩnh - nói Dự luật căn cước
công dân có một quy định rất quan trọng là cấp thẻ căn cước công dân thay cho
chứng minh nhân dân (CMND) và được cấp ngay từ khi công dân sinh ra. Quy định
này sẽ tác động đến nhiều mặt hoạt động quản lý của Nhà nước và đời sống của
nhân dân, do vậy trước khi ban hành đạo luật này cần có các hoạt động điều tra
xã hội học, giới thiệu rộng rãi và thăm dò dư luận về các quy định liên quan đến
thẻ căn cước công dân. “Tránh tình trạng như lần trước in tên cha mẹ vào CMND,
sau đó lại không làm nữa gây tốn kém” - ông Phúc nói.
Cần làm rõ
Ông Phúc cũng cho rằng cần có sự tiếp cận tổng thể về giấy tờ
công dân. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, trước đây Thủ
tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý CMND theo công nghệ
mới, trong đó quy định về số CMND gồm 12 số thay cho 9 số lâu nay. Dự án này được
Bộ Công an triển khai thí điểm từ tháng 9-2012, bước đầu tổ chức triển khai thực
hiện trên toàn quốc (tại Hà Nội từ ngày 1-4-2014). “Nghĩa là trước đây đề xuất
thay đổi CMND, lần này là căn cước công dân. Chúng ta phải có cách tiếp cận tổng
thể, nếu mà cứ thay giấy tờ liên tục thì không ổn định cuộc sống của người dân”
- ông Phúc lo ngại.
Theo ông Phúc, chỉ tính riêng chi phí để cấp căn cước công
dân cho người dưới 15 tuổi (khoảng 24% dân số, với ước tính một thẻ căn cước công
dân là 30.000 đồng gồm cả tiền chụp ảnh) thì tổng kinh phí Nhà nước phải chi là
648 tỉ đồng. Như vậy Chính phủ cần báo cáo với Quốc hội chi phí của Nhà nước và
xã hội bỏ ra để thực hiện Luật căn cước công dân là bao nhiêu. “Không nên ban
hành luật mà không có nội dung về kinh phí thực hiện, Nhà nước bỏ ra bao nhiêu,
người dân nộp lệ phí bao nhiêu? Cần làm rõ” - ông Phúc đề nghị.
Ba loại giấy tờ cùng tồn tại: chồng chéo gây lãng phí
Đề
nghị tạm dừng cấp CMND công nghệ mới Đó
là đề nghị chính thức từ thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội
sau cuộc khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về căn cước công
dân”. Theo đó, thường trực ủy ban này cho rằng trong khi Chính phủ đang trình
Quốc hội Dự luật căn cước công dân, trước mắt đề nghị chỉ đạo tạm dừng việc cấp
CMND theo công nghệ mới, trong đó có CMND 12 số tại TP Hà Nội và một số địa
phương để bảo đảm ổn định trong quản lý và sử dụng CMND của công dân. |
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh
sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) cho rằng phải tính toán mối quan hệ giữa
căn cước công dân với CMND hiện nay. “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành
chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn
2013-2020 (đề án 896) đang triển khai cấp CMND 12 số. Dư luận xã hội cho rằng
nên chậm dự án này lại để chờ Quốc hội thông qua Luật căn cước công dân rồi
tính tiếp. Tôi cho rằng cần xem xét đề nghị này” - ông Tuyến nói.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an Hà Nội) bình
luận: “Nếu Luật căn cước công dân ra đời và có hiệu lực thi hành thì chúng ta đồng
thời tồn tại ba loại giấy tờ: một là căn cước công dân, hai là CMND 9 số và ba
là CMND 12 số. Đến năm 2022 mới thống nhất được. CMND 12 số thì chúng ta đang
thí điểm, đề án 896 với kinh phí 3.500 tỉ đồng (dự án khả thi cơ sở dữ liệu quốc
gia về dân cư trong khuôn khổ đề án dự kiến đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng - PV),
nếu chúng ta không tính toán cẩn thận thì sẽ rất tốn kém”.
Ông Chung cho biết thêm để làm CMND 12 số, hiện công nghệ
đang chạy là của Đức từ năm 1997, mua phôi cũng đắt. Nếu Luật căn cước công dân
có hiệu lực thì có nghĩa là cái cũ phải bỏ, trong khi máy móc đã nhập rồi. “Hiện
nay quản lý cũng rất phức tạp, chúng tôi cấp CMND 12 số, rồi lại phải cấp chứng
nhận là thay CMND để công dân đó có thể thay đổi hàng loạt giấy tờ khác: nhà đất,
hộ khẩu, ngân hàng, giấy phép lái xe... Cần đánh giá rất kỹ tác động, đặc biệt
là mối liên hệ của luật này với các luật khác, thủ tục khác, để tránh tốn kém
cho cả Nhà nước và người dân” - ông Chung kiến nghị.
Đại biểu Phạm Quang Nghị (bí thư Thành ủy Hà Nội) cũng ủng hộ
làm căn cước công dân nhưng phải có lộ trình cho phù hợp. “Tôi thấy sự chồng
chéo như anh Chung nói sẽ gây lãng phí. Mong muốn là làm tốt cho dân, nhưng làm
không khéo thì sẽ gây tốn kém, phiền hà cho người dân. Hiện nay chúng ta gắn bó
mật thiết với CMND, biết bao nhiêu loại giấy tờ theo nó. Bây giờ chúng ta quy định
căn cước công dân sẽ thay thế. Vậy thì phương án giải quyết các loại giấy tờ
liên quan như thế nào? Cần chuẩn bị thật đầy đủ, đánh giá tác động, nếu chưa
tính được thì chưa nên làm ngay” - ông Nghị đề xuất.
Có nên cấp căn cước cho người mới sinh?
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập
pháp) băn khoăn trước việc dự Luật hộ tịch quy định giấy khai sinh được cấp từ
khi khai sinh, trong khi đó Luật căn cước công dân cũng quy định căn cước được
cấp cho công dân từ khi đi khai sinh. “Như vậy cái nào có trước, cái nào có
sau? Tôi nghĩ nếu hai giấy tờ này có nội dung trùng nhau thì chỉ cần một loại
giấy tờ là đủ” - ông Thảo nói. Đại biểu Nguyễn Đức Chung ủng hộ cấp thẻ cho người
mới sinh vì việc cấp ngay từ khi sinh sẽ rất nhiều thuận lợi. Cụ thể như chỉ cần
gõ 30 giây là biết phường này năm nay có bao nhiêu cháu cần đi tiêm chủng, bao
nhiêu người đến tuổi nghĩa vụ quân sự... Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch
(TP.HCM) nói cần xem lại có nên cấp căn cước cho người mới
sinh hay không, vì một người mới sinh ra chưa phát sinh quyền công dân và cần
tính toán lại thời điểm nào làm căn cước công dân là phù hợp.
Tại tổ Hà Nội, các đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Nguyễn Đức Chung,
Trần Thị Quốc Khánh, Bùi Thị An đề nghị bổ sung nhóm máu vào thẻ căn cước công
dân. “Quan điểm của tôi là nên cho nhóm máu vào căn cước. Hiện nay chúng ta
đang muốn thành lập các trạm cấp cứu nhanh trên đường cao tốc, khi có tai nạn xảy
ra thì biết ngay nhóm máu để có thể cứu được người. Các nước họ cũng thể hiện
nhóm máu như vậy, để phục vụ cho chính con người đó” - ông Chung phân tích.
“Chúng ta đâu phải bí mật nhóm máu. Dứt khoát phải đưa nhóm máu vào. Tốn kém
cũng phải làm” - bà Bùi Thị An bày tỏ.
V.V.Thành - L.Kiên -
Q.Thanh
Theo Tuổi Trẻ
2,371
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN