Ngày 19-12, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho rằng cần xem xét đề
xuất thông báo vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông của các cá nhân, tổ
chức trên báo chí được dự thảo lần 4 Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư
38/2010/BCA quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật
tự, an toàn giao thông (ATGT). Thông tư này do Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành
chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Ô tô chạy lùi mất lái tông xe đạp khiến 1
cô gái bị thương nặng tại quận 4, TP HCM tối 13-12 Ảnh: Xuân Danh
Không có trong luật
Theo dự thảo, hằng tuần, lực lượng công an các tỉnh, thành
phố, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) sẽ lập danh sách các trường hợp vi phạm
trật tự, ATGT gửi đến các cơ quan thông tin truyền thông (bằng văn bản hoặc thư
điện tử) để thông báo, “điểm danh tên tuổi” trên báo, đài truyền hình, truyền
thanh địa phương.
Đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ hoặc sử
dụng rượu, bia, chất ma túy,… rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thì danh
sách cá nhân vi phạm với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú, cơ quan, đơn vị
công tác, học tập phải được gửi về Ủy ban ATGT quốc gia để thông báo trên các
phương tiện thông tin truyền thông trung ương.
Đại diện cơ quan soạn thảo thừa nhận khi thảo luận xung
quanh quy định này đã nảy sinh những ý kiến trái chiều cho rằng cần phải đánh
giá lại bởi điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày
1-7-2013) không có quy định về lĩnh vực vi phạm giao thông.
Điều 72 chỉ quy định trường hợp vi phạm hành chính về an
toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao
động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng
khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn
hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai việc xử phạt.
Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm
hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Hơn nữa, việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc
báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm
hành chính.
TS Lê Hồng Sơn cho rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính là quy
định gốc, buộc nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ phải xây dựng sao
cho phù hợp, không được quy định trái hoặc mâu thuẫn. “Phải đặt ra câu hỏi tại
sao khi Quốc hội thông qua luật đó, tại điều 72 lại không có quy định về vi phạm
trong lĩnh vực giao thông?” - ông Sơn nói.
“Đem lại hiệu quả cao”
Theo đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an,
Nghị quyết 32/2007 và Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có quy định về việc gửi thông báo vi
phạm lên báo chí. Tuy nhiên, nghị định mới nhất thay thế Nghị định 34 đã bỏ quy
định này, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không nhắc tới. Dù vậy, đây là quy
định cũ đã được đưa ra trong Thông tư 38/2010 và dựa trên tinh thần chỉ đạo của
Nghị quyết 32/2007, Bộ Công an vẫn xác định đó là một biện pháp quan trọng, phù
hợp, bảo đảm tính răn đe.
“Quy định này còn đang trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến
nhưng thực tế cho thấy việc gửi thông báo như vậy đã đem lại những hiệu quả nhất
định” - ông Quân cho hay.
Dự thảo tờ trình của Tổng cục VII nêu rõ sau nhiều lần bàn bạc,
thảo luận, các thành viên tổ soạn thảo và các đơn vị liên quan thống nhất vẫn
giữ nguyên quy định thông báo tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự ATGT
trên báo chí vì phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hơn nữa, đây được coi là một biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức
tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đem lại hiệu quả cao.
Ủy ban ATGT quốc gia ủng hộ Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban
ATGT quốc gia, hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Tổng cục VII nêu ra trong dự thảo
Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2010. “Những vi phạm nặng thuộc về lỗi cố ý hoặc
thể hiện ý thức tham gia giao thông kém thì chỉ phạt bằng tiền thôi không đủ
sức răn đe. Gửi thông báo vi phạm về nơi cư trú, cơ quan công tác, đăng tải
trên báo đài sẽ đạt hiệu quả tốt hơn” - ông Hiệp nói. |
Thế Kha
Theo Người lao động
3,574
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN