Vì lẽ đó, ngày 15/8, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Một số định
hướng lớn xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Hội thảo trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt
Nam do Canada tài trợ. Ảnh: Thảo Nguyên
Theo Bộ Tư pháp, qua 4 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật năm 2008 và 8 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Nhà nước ta đã ban hành được
một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực
đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới nói chung và
tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, hệ
thống pháp luật hiện hành ở nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, chồng
chéo; một số văn bản chưa minh bạch, khó tiếp cận, tính khả thi và ổn định chưa
cao. "Các hạn chế về xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những yếu tố
cản trở tiến trình phát triển của đất nước, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ
sự bất cập, hạn chế trong các quy định của 2 đạo luật về ban hành văn bản pháp
luật hiện hành. Việc trong một nhà nước mà có đến 2 đạo luật điều chỉnh vấn đề
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không bình thường”, ông Long nói.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật
trong thời kỳ mới, Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa Dự án Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh
khóa XIII để hợp nhất Luật năm 2004 và Luật năm 2008 thành một đạo luật chung về
ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Luật hợp nhất sẽ tiếp tục làm tinh gọn hệ thống pháp
luật, đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm dân chủ
trong quá trình xây dựng pháp luật và tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công
tác xây dựng pháp luật.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư
pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Luật mới sẽ quy định về
nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
tất cả các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương. Ngoài các quy định
cơ bản này, Luật mới cũng sẽ quy định mang tính nguyên tắc về các hoạt động sau
khi văn bản được ban hành: Hợp nhất, pháp điển, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa
văn bản và một số quy định chung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo luật hợp nhất cũng định hướng xây dựng để tạo điều
kiện thuận lợi cho nhân dân đóng góp ý kiến (quy định dự thảo văn bản có tác động
lớn đến đời sống xã hội trong một số lĩnh vực nộp thuế, lệ phí; tội phạm, hình
phạt; xử phạt hành chính; thủ tục đăng ký… thì phải tổ chức các cuộc trao đổi,
bàn luận trực tiếp với các chuyên gia trên truyền hình để nhân dân theo dõi,
đóng góp ý kiến), đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan trình
văn bản (báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân là tài liệu bắt buộc
phải có trong hồ sơ đề xuất xây dựng văn bản).
Thảo Nguyên
Theo Thanh Tra
6,753
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN