Ngày 17-7, giá xăng bất ngờ tăng gần 500 đồng/lít sau hơn nửa
tháng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỉ giá thêm 1%. Đây là “cú đánh bồi”
buộc các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phải tính toán lại giá thành. Tổng
cộng, từ đầu năm đến nay, qua 4 đợt điều chỉnh, giá xăng đã tăng 2.600 đồng/lít
so với năm 2012. Xăng dầu, tỉ giá tăng trong bối cảnh hàng loạt chi phí đầu
vào khác đã lần lượt tăng trong 6 tháng đầu năm 2013 làm gia tăng áp lực lên
giá cả thị trường.
Ảnh hưởng đợt hàng mới
Ghi nhận thị trường ngày 18-7 cho thấy nhìn chung, giá
cả hàng hóa chưa biến động nhiều. Tại các chợ đầu mối ở TP HCM như Thủ Đức,
Bình Điền, giá mua vào - bán ra các mặt hàng cơ bản vẫn ổn định. Theo các
tiểu thương, khi xăng tăng giá thì chi phí vận chuyển có nhích lên nhưng không
nhiều, do đó họ có thể bán số nhiều để “bù qua sớt lại”. Tuy nhiên, tại nhiều
chợ lẻ, giá hàng hóa dễ bị đội lên do tiểu thương bán ít, chi phí cao.
Các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP HCM cũng
cho hay đang nỗ lực cùng nhà cung cấp kìm giữ giá. Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng
Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết hiện trong
giai đoạn thấp điểm mua sắm, DN sẽ rất cân nhắc khi muốn điều chỉnh giá. Tỉ giá
tăng chủ yếu tác động đến các ngành sản xuất sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu,
giá xăng thì ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành trong lĩnh vực vận tải... Vì vậy,
tùy thuộc tình hình DN và hiệu ứng xã hội mà DN quyết định tăng giá hay không
trong chu kỳ sản xuất mới...

Giá xăng dầu tăng gây áp lực thêm cho thị trường, nhiều loại
thực phẩm nhấp nhổm tăng giá. Ảnh: HỒNG THÚY
Bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng Giám đốc Maximark, cho rằng tỉ giá
vừa tăng, xăng lại tăng sẽ ảnh hưởng đến giá đầu vào của DN và tối đa 1 tháng nữa
sẽ có DN điều chỉnh giá. “Đầu năm đến nay, các nhà cung cấp đều đã tăng giá lai
rai với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, nhà cung cấp sản phẩm nhập khẩu tăng
giá nhiều nhất do giá tăng từ phía nước ngoài. Do mãi lực rất chậm nên siêu thị
khống chế mức tăng giá tối đa trong một lần điều chỉnh không quá 10%” - bà Hồng
cho hay.
Đặt doanh nghiệp vào thế khó
Trước đợt tăng giá xăng dầu ngày 17-7, trong tháng 6 và nửa
đầu tháng 7-2013, một số siêu thị trên địa bàn TP HCM đã nhận được thông báo
tăng giá từ các nhà cung cấp hàng thực phẩm, phi thực phẩm với mức tăng trung
bình 8%-10%. Trong khi đó, một số nhà cung cấp không thông báo điều chỉnh giá
nhưng thay đổi mẫu mã bao bì, giảm trọng lượng sản phẩm.
Mới đây, các DN thép cũng đã điều chỉnh giá bán ở khu vực
phía Nam tăng 200.000 đồng/tấn. “Thị trường rất trầm lắng, thép ngoại cạnh
tranh gay gắt nhưng chi phí đầu vào tăng, tỉ giá tăng nên không thể không tăng
giá” - đại diện một DN thép khá lớn lý giải.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất trong đợt tăng giá xăng dầu lần này
là các DN vận tải. Vẫn chủ trương kìm giữ giá để chia sẻ với khách hàng trong
giai đoạn khó khăn, Hiệp hội Taxi TP HCM cho biết sẽ chưa điều chỉnh giá cước
taxi. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, lo ngại giá xăng dầu tăng
sẽ kéo chi phí tăng nhưng tạm thời DN có thể gồng gánh được. “Tuy nhiên, nếu sắp
tới giá xăng lại tăng thì chúng tôi phải tính toán lại” - ông lo ngại.

Giá xăng dầu tăng gây áp lực thêm cho thịtrường, nhiều loại
thực phẩm đang nhấp nhổm tăng giá. Ảnh: HỒNG THÚY
Đối với các DN sản xuất sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, tỉ
giá và giá xăng tăng đặt họ vào thế khó. Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc
Công ty CP Thực phẩm Hanco (Hancofood), cho biết từ đầu năm đến nay, giá sữa
nguyên liệu trên thế giới đã tăng 20%. Trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các công
ty sữa (trong đó có Hanco) đều đã điều chỉnh tăng giá với mức tăng trung bình
5%-7%. Vì vậy, tỉ giá và giá xăng tăng đợt này dù ảnh hưởng đến giá thành, làm
giảm lợi nhuận của công ty nhưng Hancofood chưa dám tăng giá tiếp.
“Các công ty lớn, đặc biệt là công ty nước ngoài, có lợi thế
về thương hiệu nên dễ tăng giá. Hancofood chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng
bình dân, phải cạnh tranh gay gắt về giá với những DN khác nên phải chấp nhận
giảm lợi nhuận, cắt giảm chi phí quảng cáo, các chi phí trung gian khác để giữ
giá” - ông Châu cho biết.
Giá xăng làm CPI tăng 0,1% Theo các chuyên gia kinh tế, lần tăng giá xăng dầu vào
ngày 17-7 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,1%. Tuy nhiên,
do thời điểm tăng giá xăng dầu vào nửa cuối tháng 7 nên hầu như không ảnh hưởng
đến CPI tháng này mà chủ yếu tác động vào tháng 8. Trong tổng số tác động
0,1% thì tác động trực tiếp khoảng 0,07%. Còn lại 0,03% tác động gián tiếp được
chuyển dần vào CPI thông qua các hoạt động sản xuất hàng hóa vật chất, vận tải
hành khách, thủy hải sản… Khảo sát tại một số chợ đầu mối và dân sinh ở Hà Nội ngay
sau quyết định tăng giá xăng dầu cho thấy hầu hết giá cả các mặt hàng vẫn
chưa biến động. Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết
sau 2 lần tăng giá xăng dầu trong tháng 6, đã có nhiều siêu thị đề nghị tăng
giá 10%-15% do hàng hóa chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh về, chịu ảnh hưởng
rất lớn của giá xăng dầu. Tuy nhiên, các siêu thị lo rằng giá cao sẽ tồn
hàng, không bán được nên vẫn phải cân nhắc. Ph.Nhung |
Thanh Nhân
Người Lao Động
2,888
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN