Năm 2003, Thủ
tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ban hành “Quy chế về
hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có
thưởng dành cho người nước ngoài” (gọi tắt là quy chế 32). Tiếp theo, Bộ Tài
chính có quyết định số 91/2005/QĐ-BTC quy định về quy chế quản
lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, sau đó là quyết
định số 84/2007/QĐ-BTC sửa đổi một số quy định
của quyết định 91 trên. Theo quyết định
số 84 của Bộ Tài chính, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện hoạt động phải có đầy
đủ hồ sơ về máy trò chơi có thưởng do nhà sản xuất máy cung cấp, xác nhận cụ
thể về máy như tên máy, chủng loại máy, các thông số kỹ thuật của máy (nguyên
lý hoạt động, cách thức chơi, tỉ lệ trả thưởng...). Các máy trò chơi có
thưởng phải được nhà sản xuất hoặc một tổ chức độc lập kiểm định về chất
lượng, các chương trình cài đặt sẵn trong máy và các tính năng khác của máy. Theo luật sư Lê
Nết - Đoàn luật sư TP.HCM, trò chơi điện tử có thưởng là việc chơi giữa người
với máy, mà máy móc gặp sự cố cũng là điều bình thường. Vấn đề là người chủ
máy phải chứng minh được máy có sự cố như thế nào. Quy chế 32 chỉ quy định
điều kiện về cấp phép, hoạt động kinh doanh máy trò chơi điện tử có thưởng mà
không có nội dung điều chỉnh mối quan hệ giữa người kinh doanh với khách
hàng. Quy chế cho phép cơ sở kinh doanh tự xây dựng nội quy quản lý điểm vui
chơi, quy tắc giải quyết mối quan hệ với khách hàng. Vì thế, có thể hiểu nội
quy của câu lạc bộ như là một hợp đồng dân sự giữa cơ sở kinh doanh với khách
hàng. Việc giải quyết tranh chấp có thể căn cứ trên nội quy đó. Theo luật sư
Nguyễn Thị Minh Huyền, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh trò chơi
điện tử có thưởng hiện nay duy nhất chỉ có quy chế 32 của Chính phủ và các
văn bản của Bộ Tài chính. Quy chế 32 có 19 điều với những nội dung hết sức sơ
sài. Quy chế chưa quy định những vấn đề quan trọng như về quản lý, thẩm định
thiết bị trò chơi, việc đăng ký quy định quản lý nội bộ của các doanh nghiệp
kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, trách nhiệm của chính quyền địa
phương... và quan trọng là chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người
chơi và doanh nghiệp kinh doanh. Thêm vào đó, quy chế 32 cũng không phải là
văn bản có tính pháp lý cao như luật hay nghị định nên dẫn đến nhiều bất cập
trong cả công tác quản lý nhà nước lẫn hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh
trong lĩnh vực này. Có quan điểm
cho rằng cần căn cứ quy định của Bộ luật dân sự về hứa thưởng và thi có
giải (từ điều 590 đến điều 593) để điều chỉnh việc trả thưởng, nhưng xem ra
những điều luật trên cũng không phù hợp lắm do bản chất của vấn đề hứa thưởng
và thi có giải khá khác biệt so với trò chơi điện tử có thưởng. Từ đó, dẫn đến
rủi ro pháp lý rất lớn cho các bên đang tham gia hoạt động này. Theo luật sư
Huyền, để có khung pháp lý đồng bộ cho việc kinh doanh nhạy cảm này nhằm đảm
bảo quyền lợi các bên liên quan (Nhà nước, doanh nghiệp, người chơi) thì cần
thiết phải sớm ban hành nghị định quy định thay thế quy chế 32 hiện không còn
phù hợp. | Sẽ có nghị định? Được biết, giữa tháng 10-2012, Chính phủ đã
xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị định về quản lý, kinh doanh
trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài để thay thế quy chế 32.
Tuy nhiên, vì còn một số vấn đề cần bàn thảo kỹ nên đến nay nghị định vẫn
chưa được ban hành. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đến nay cả nước có 43
cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được
cấp phép kinh doanh. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh loại hình này khá cao,
năm 2011 doanh thu ước đạt khoảng 5.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.500
tỉ đồng. Theo số liệu
được công bố tại phiên tòa xét xử vụ kiện hơn 55 triệu USD, chỉ tính riêng
năm 2009, doanh thu của câu lạc bộ trò chơi điện tử có thưởng tại khách sạn
Sheraton là 68 triệu USD. |