
Gia đình đúng nghĩa vẫn hơn
Bản thân cặp đồng tính hiện nay không
phải là một đôi vợ chồng đúng nghĩa theo Luật Hôn nhân và gia đình năm
2000 của Việt Nam. Vì vậy, việc các cặp đồng tính chung sống với nhau mà
có con đẻ, hoặc con nuôi của một người được cho rằng là một sự “lách
luật”.
Một chuyên gia pháp luật cho biết, nuôi
con nuôi không đơn thuần chỉ là cho ăn, cho mặc, cho học hành, nuôi
dưỡng hàng ngày. “Đăng ký nuôi con nuôi là đăng ký việc là cha, là mẹ
của đứa trẻ, đứa bé như con đẻ của họ, xác lập quan hệ cha mẹ và con cái
lâu dài, bền vững thì phải có một gia đình đúng nghĩa, một người bố,
một người mẹ” – vị chuyên gia này nhấn mạnh và nói thêm:
“Một người mẹ đơn thân, lựa chọn cuộc
sống một mình nhưng có quyền có con, không có khả năng làm mẹ thì hoàn
toàn có thể nhận con nuôi. Còn một người bố đơn thân thường khó hơn,
sống một mình không kết hôn, đi xin con nuôi rõ ràng pháp luật không cấm
nhưng hãn hữu lắm”.
Pháp luật Việt Nam chưa cho phép hai
người cùng giới kết hôn và nuôi con nuôi. Tuy nhiên, trên thế giới đang
có trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ cho phép kết hôn đồng tính hoặc có
một hình thức nào đó công nhận việc chung sống của những cặp đồng tính.
Vậy những trường hợp trên vào Việt Nam xin con nuôi liệu có phải là một
bất cập không?
Trả lời vấn đề này, theo Cục trưởng Cục
Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình, pháp luật của một số nước có thừa
nhận và cho phép kết hôn đồng tính, tức họ đủ điều kiện theo pháp luật
của nước họ để xin con nuôi, có thể nộp hồ sơ tại Việt Nam nhưng khi Cục
Con nuôi thẩm định sẽ bác hồ sơ do không đủ điều kiện theo pháp luật
Việt Nam để chuyển sang công đoạn ghép trẻ.
Ông Bình cho biết thêm, trong hồ sơ của
người nước ngoài nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi, bên cạnh một số giấy tờ
tùy thân, sẽ có một bản điều tra về tâm lý, gia đình; văn bản xác nhận
thu nhập và tài sản (điều tra về gia cảnh). Nếu pháp luật nước họ cho
phép hôn nhân đồng tính thì họ đều khai đàng hoàng, không hề giấu giếm.
Tuy nhiên, “Cục sẽ loại hồ sơ, bởi hồ sơ xin nhận con nuôi rất nhiều mà
trẻ cho làm con nuôi lại ít nên những hồ sơ ấy phải không là hồ sơ ưu
tiên” – ông Bình khẳng định thẳng thắn một lần nữa.
Có nhất thiết phải ưu tiên dù luật mở?
Tiến bộ hơn nhiều quốc gia vẫn quy định
đồng tính là loại tội phạm vào luật hình sự, Việt Nam không coi đồng
tính là vi phạm pháp luật hình sự, dù quan niệm xã hội chưa hẳn đã cởi
mở. Không những thế, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Hôn nhân
và gia đình, các chuyên gia pháp luật thậm chí còn đang tính tới không
cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, có thể nói, nhiều quan điểm cho rằng
đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thừa nhận vấn đề này.
Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã nhấn mạnh
mục đích nuôi con nuôi như sau: “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan
hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được
nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo
dục trong môi trường gia đình”.
Luật cũng quy định, “nuôi con nuôi là
việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người
được nhận làm con nuôi”. Việc nuôi con nuôi không chỉ bảo đảm quyền, lợi
ích hợp pháp người nhận con nuôi mà quan trọng hơn là phải bảo đảm
quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và đặc biệt,
không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Khi được hỏi quan điểm của cá nhân nếu
thời gian tới Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi không cấm hôn nhân đồng
tính thì việc nuôi con nuôi của các cặp đồng tính sẽ ra sao, ông Nguyễn
Văn Bình bày tỏ: “Quan điểm là rất vô cùng.
Tôi nghĩ một đứa trẻ sinh ra bị thiệt
thòi, đã không có cha, không có mẹ, để Nhà nước, để xã hội tìm gia đình
thay thế cho trẻ thì phải tìm cho trẻ một gia đình có cha, có mẹ. Điều
đó tốt hơn nhiều chứ. Không nói đến quy định của pháp luật thì hiển
nhiên là nên như vậy.
Nhu cầu của họ thì không ai ngăn cản,
nhưng khi xem xét hồ sơ của những cặp này, rõ ràng bất kỳ ai làm hồ sơ
ghép trẻ sẽ có sự so sánh giữa nhiều gia đình xin con nuôi đang sống
hạnh phúc, đầm ấm có cha có mẹ, có hai giới tính khác nhau với những cặp
đồng tính và thấy rằng những gia đình ấy còn phải xếp hàng chờ thì có
nhất thiết phải ưu tiên các cặp đồng tính?”.
Sơn Hà
Theo Pháp luật Việt Nam
6,215
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN