 |
Ùn tắc đôi khi do chính người dân khi chạy xe không tuân thủ quy định (ảnh chụp trên đường Thái Thịnh) - Ảnh: Quang Thế
|
Chỗ tắc, chỗ thông
Từ 17g ngày 2-2, giao thông trên các tuyến phố chính
của Hà Nội dù mật độ đông dần nhưng chưa có tình trạng ùn ứ, chen lấn
kín mít lòng đường. Tại các tuyến phố Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học, Lê
Duẩn, Bà Triệu, Quang Trung phương tiện vẫn lưu thông được. Tình trạng
ùn ứ kéo dài có xuất hiện tại các giao lộ đông đúc như nút giao Nguyễn
Khuyến - Lê Duẩn, ngã năm Bà Triệu nhưng phương tiện có thể thoát qua
được sau 2-3 nhịp đèn tín hiệu.
Cùng thời điểm này, tuyến đường Khâm Thiên lượng phương
tiện dày đặc nhưng chỉ xuất hiện tình trạng ùn ứ không đáng kể khi các
phương tiện tại các ngõ phố cắt ngang dòng phương tiện lưu thông chính.
Tuy nhiên với sự điều tiết của CSGT, thanh tra giao thông, tình trạng ùn
ứ được giải quyết khá nhanh.
Đến 18g30, tình hình giao thông trên các tuyến phố giảm
dần mật độ. Dù các điểm giao cắt như Láng Hạ - Lê Văn Lương, Kim Mã -
Nguyễn Chí Thanh, Kim Liên - Đại Cồ Việt, Tôn Thất Tùng - Trường Chinh
vẫn còn đông phương tiện nhưng đã thông thoáng hơn, chỉ chờ hơn một nhịp
đèn là di chuyển được.
Theo ghi nhận, tình hình ùn tắc trong ngày hôm qua chủ
yếu xảy ra trên một số tuyến nhỏ, tập trung nhiều trường học như phố
Thụy Khuê (đoạn từ ngã tư đường Thanh Niên đến đường Văn Cao kéo dài),
đường Thái Thịnh, Nguyên Hồng...
Bà Phùng Thị Tố Nga, hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc
Khánh, cho biết: “Phố nhỏ, lại tập trung cả trường mầm non, tiểu học,
THCS. Bình thường Trường mầm non Tuổi Thơ kết thúc giờ học lúc 16g,
Trường tiểu học Ngọc Khánh tan lúc 16g30 và Trường THCS Phan Chu Trinh
kết thúc sau 17g nên đường sá khá thông thoáng. Quy định mới yêu cầu
trường mầm non, tiểu học, THCS đều kết thúc sau 17g khiến phố Nguyễn
Công Hoan tắc cứng”. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, phụ huynh học sinh lớp 5
Trường tiểu học Thái Thịnh, cho hay trước đây khối học sinh lớp 1, 2, 3
được tan học lúc 16g15, khối lớp 4, 5 tan lúc 16g30 nên không hề xảy ra
ùn ứ như khi thực hiện quy định tất cả tan trường vào 17g.
 |
Lúc 19g05, đường Thụy Khê, Tây Hồ lại tắc (ảnh chụp trước Trường THPT Chu Văn An) - Ảnh: Quang Thế |
Sẽ tháo gỡ cho trường học
Tại Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà
Nội), việc bố trí học hai ca sáng - chiều cho học sinh gặp khó khi thời
gian giao thoa giữa tốp học ca sáng tan trường và ca chiều vào lớp chỉ
vỏn vẹn 15 phút khiến trường học không tránh được cảnh tượng hỗn loạn.
Nhiều phụ huynh lo cho con mình nên càng chen chân vào đón bằng được.
“Trường đã phải huy động tất cả lực lượng bảo vệ, thầy
cô trong chi đoàn hỗ trợ để nhanh chóng đưa học sinh ca sáng ra ngoài và
đón học sinh ca chiều vào lớp. Song về lâu dài, khó có phương án nào
giải quyết tốt hơn là trường phải được phép giãn thời gian “giao ban”
hai ca lên chừng 30-45 phút. Ca chiều nên bắt đầu từ 13g” - bà Lý Thị
Lương, hiệu trưởng nhà trường, đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám
đốc Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội, cho hay sở đã thành lập sáu đoàn công
tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về điều chỉnh giờ học
tại các trường. Các đoàn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các
trường, từ phụ huynh xung quanh những bất cập, khó khăn khi phải đảo
giờ. Ý kiến sở nhận được nhiều nhất chính là khung giờ tan trường quá
muộn của cấp THPT.
“Bất cập thấy rõ nhất ở các trường khu vực ngoại thành
như Thanh Trì, Từ Liêm... Tại các huyện này, số trường THPT rất ít, chỉ
2-3 trường công lập, số học sinh tan trường không đủ để làm xáo trộn
giao thông. Song tất cả vẫn buộc phải thay đổi theo khung quy định
chung. Đường về nhà các em phải đi qua đường mương, đường ruộng lúc tối
muộn khá nguy hiểm” - ông Thống nói.
Theo ông Thống, trước băn khoăn của các trường, hai
tuần tới sở sẽ triệu tập cuộc họp với các phòng giáo dục, các trường
THPT thuộc diện điều chỉnh giờ học để chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó
khăn, tập hợp các ý kiến phản hồi gửi lên TP.
Đề nghị điều chỉnh giờ đóng - mở hệ thống chiếu sáng Hôm qua, Sở GTVT Hà Nội có báo cáo nhận định “tình hình
giao thông đi lại trên các tuyến đường của TP được cải thiện, trên một
số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vẫn đông nhưng không tắc
nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể...”. Tuy
nhiên sở thừa nhận trên một số tuyến đường trọng điểm, hệ thống chiếu
sáng chưa điều chỉnh cho phù hợp với thời gian sinh hoạt của một số đối
tượng thuộc diện điều chỉnh như học sinh, sinh viên cũng như điều kiện
thời tiết mùa đông tại miền Bắc, gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển
giao thông trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5g-6g và buổi chiều từ
18g-19g. Sở GTVT đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh giờ đóng, mở hệ thống
chiếu sáng trên toàn bộ hệ thống tuyến đường của TP cho phù hợp với nội
dung quyết định của UBND TP về thay đổi giờ làm, giờ học trên địa bàn TP
Hà Nội. |
T.PHÙNG - NGỌC HÀ
3,130
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN