"Cải cách TTHC không chỉ là rà soát để cắt giảm hoặc sửa đổi
các quy định về thủ tục, mà quan trọng hơn là khâu triển khai thực hiện các TTHC
trong thực tế", ông Phan nói. "Do đó, kiểm soát TTHC chính là kiểm soát
việc lạm dụng quyền lực của cán bộ công chức trong thực hiện TTHC".
Theo ông Phan, ở
cấp bộ vẫn còn nhiều TTHC, việc đơn giản hoá các TTHC này là nhiệm vụ tiếp tục
của năm 2012. "Làm tốt việc này sẽ góp phần cải cách kỷ luật, kỷ cương hành
chính", ông Phan nói.
Tại buổi giao
ban bộ ngành về triển khai công tác kiểm soát TTHC chiều nay (11/1) do Văn phòng
CP tổ chức, Cục Kiểm soát TTHC cho biết tính đến tháng 12/2011, các bộ
ngành đã đơn giản hoá trên 3000 TTHC. Các bộ thực hiện tốt là Khoa học - Công
nghệ, Giao thông - Vận tải, Thông tin - truyền thông..., trong khi Bộ Kế hoạch -
Đầu tư, Tư pháp, Ngoại giao thực hiện chậm.
 |
Ảnh: Chung Hoàng |
Cũng tại buổi giao ban, đại diện các bộ và
địa phương chia sẻ những trăn trở sau một năm triển khai công tác này.
Trưởng phòng
Kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội chỉ ra thực tiễn thực hiện
TTHC ở cấp cơ sở gặp khó có nguyên nhân từ khâu ban hành văn bản của các bộ
ngành trung ương.
Văn bản quy phạm
pháp luật hiện nay mới chỉ đề ra các cơ chế, chính sách, yêu cầu mà không nêu rõ
trình tự, thủ tục, cách thức riển khai, khiến xuống đến địa phương cán bộ không
thực hiện được, vị này nói và cho rằng không nên coi lỗi đều ở cán bộ hành chính
cơ sở.
Vị này cho biết các ĐBQH khi về đến địa phương đều ngạc nhiên khi thấy các luật mà họ
đã bỏ phiếu thông qua rất lâu rồi mà ở phường, ở quận vẫn chưa thực hiện. Nguyên
nhân chính là tình trạng luật chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn... vì trong
luật không ghi rõ để địa phương có thể áp dụng ngay.
Ông cũng cho biết những chính
sách quan trọng như hỗ trợ dồn điền, đổi thửa hoặc hỗ trợ giống cây trồng cho
nông dân, hỏi "hỗ trợ ai, hỗ trợ như thế nào" thì cán bộ cấp cơ sở đều không trả
lời được.
Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại
nêu một vướng mắc khác: đơn giản hoá TTHC không thể chỉ để thuận lợi cho người
dân, doanh nghiệp mà vẫn phải đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Vị này lấy ví dụ
về việc bỏ bước thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư trong quy trình cấp
phép dự án, thực tế dẫn đến nhiều dự án đắp chiếu mà chính quyền địa phương
không thể thu hồi đất vì giấy phép đã cấp.
Cục trưởng Ngô Hải Phan lưu ý các
bộ ngành, địa phương giải quyết các vướng mắc đã nêu, đồng thời chủ ý việc thông
tin công khai việc đơn giản hoá các TTHC. "Vì chậm công khai mà nhiều địa
phương vẫn làm theo cách cũ, thành quả cải cách TTHC vì thế mà bị hạn chế",
ông Phan nói.
Chung Hoàng