Chiều 10/1, tại khu vực đầm thủy sản ngoài đê xã Vinh
Quang, hàng chục người dân vẫn chưa thôi tập trung bàn tán về vụ cưỡng
chế đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn. Cách triền đê chừng vài trăm mét, khu
đầm thủy sản của gia đình ông Vươn tiêu điều với dấu tích còn sót lại
của căn nhà hai tầng cùng gian bếp bị san phẳng. Nhiều vật dụng còn lẫn
trong đống đổ nát.
Ánh mắt buồn rầu nhìn sang khu đầm của hàng xóm, chủ
đầm Vũ Văn Hiền nói: “Chống người thi hành công vụ là anh Vươn sai rồi.
Nhưng trước đó, phải phong cho anh Vươn là người hùng mới xứng đáng”.
Là người cùng khai phá vùng đất ven sông cửa biển xã
Vinh Quang từ hàng chục năm nay, ông Hiền thấm thía cảnh gia đình ông
Vươn đổ mồ hôi công sức, thậm chí cả tính mạng của cô con gái 8 tuổi và
một người cháu trên mảnh đất này. “Gia đình anh Vươn đã dám đương đầu
với trời đất, thiên tai, làm được việc mà lực lượng thanh niên xung
phong không làm được, phải bỏ đi”, ông Hiền nói.
 |
Căn nhà 2 tầng ở giữa đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị coi là hiện trường vụ án, đã bị phá. Ảnh:Nguyễn Hưng.
|
Người dân ở xã Vinh Quang khi nói về ông Vươn đều
khẳng định ông sống hòa nhã, quan tâm tới mọi người. Công trình lấn biển
của khu đầm thủy sản, đi đầu là gia đình ông Vươn đã giúp hàng trăm hộ
dân xã Vinh Quang không còn phải chạy đôn chạy đáo mỗi mùa mưa bão.
“Trước đây chưa có khu đồng này thì dân luôn lo vỡ đê.
Mùa bão chúng tôi kinh lắm, có bão phải chạy tới mãi xã trong. Có đồng
của ông Vươn chúng tôi yên tâm, bão gió chúng tôi không phải chạy”, ông
Doãn, người xóm chùa trên nói.
Còn với ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã
Vinh Quang, dù đã 20 năm, ông vẫn không thể nào quên hình ảnh kỹ sư nông
nghiệp Đoàn Văn Vươn tìm đến ông xin được khẩn hoang khu bãi ngoài đê.
“Lúc nó xuống xin làm tôi khuyên là không làm được đâu, nhà nước còn
không làm được nữa là. Nhưng nó không nghe, cứ quyết làm”, đảng viên 82
tuổi nhớ lại.
Ông Danh kể, để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông
Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn
thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra
vùng biển hoang... Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ
kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm
cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu
dân cư phía trong đê.
“Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”, ông bí thư già cứ nhắc đi nhắc lại.
 |
Ông Phạm Văn Danh: “Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”. Ảnh:Nguyễn Hưng.
|
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress,
Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh nói: “Anh Vươn
không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng
chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng
không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn
toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”.
Ông Khánh cho rằng, dư luận tốt về ông Vươn “chỉ là
của một số người”. “Người ta nói thế là không đúng”, ông Khánh nói chắc
nịch.
Đại diện UBND huyện Tiên Lãng tái khẳng định, việc
cưỡng chế đối với diện tích đầm thủy sản của hộ ông Đoàn Văn Vươn là căn
cứ theo quyết định của UBND huyện. Từ năm 2007, khu đất giao cho ông
Vươn đã hết hạn, UBND huyện đã 8 lần làm việc yêu cầu ông Vươn bàn giao
lại nhưng hộ này nhất quyết không trả. “Ông Vươn luôn chống đối, không
chấp hành”, ông Khánh nói.
Trước nghi vấn việc cưỡng chế khu đầm của ông Vươn để
giao cho một số người đã được “nhắm” trước, ông Khánh cho biết, đây là
việc sau này, còn hiện tại cứ bàn giao cho xã quản lý. “Việc này anh em
phải thông cảm. Có gì chúng tôi đã trả lời trên Báo Hải Phòng. Còn trách nhiệm của huyện, đúng - sai, cơ quan chức năng sẽ xem xét”, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói.
 |
Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: "Anh Vươn không phải người tốt". Ảnh:Nguyễn Hưng.
|
Chánh văn phòng Khánh khẳng định, cán bộ huyện, xã là
những người làm công ăn lương nhà nước, không có thù hằn với ông Vươn.
“Quan điểm của huyện là khi thu hồi đất đầm này sẽ giao cho dân để tiếp
tục sản xuất, không phải ngăn cấm, loại trừ ai cả. Khi thuyết phục đáng
ra anh Vươn cứ trả lại đầm rồi làm đơn xin giao tiếp thì cơ quan có thẩm
quyền mới quyết định việc có giao nữa hay không”.
Vụ việc ở khu đầm thủy sản xã Vinh Quang đã âm ỉ nhiều
năm nay. Cho rằng bị UBND huyện Tiên Lãng bội ước, các hộ dân không
chấp hành. Khi thông báo cưỡng chế được phát đi, một số người dân nằm
trong diện phải thu hồi đất đã thể hiện tinh thần không chấp thuận bằng
những tuyên bố sẽ có phản kháng.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế,
thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự
chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ
huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên
Lãng.
Hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng
cảnh sát bảo vệ được điều xuống Tiên Lãng tăng cường. Giám đốc, 4 phó
giám đốc công an thành phố Hải Phòng trực tiếp có mặt hiện trường. Tuy
nhiên, khi cảnh sát tiếp cận ngôi nhà, những người nổ súng đã biến mất.
Ngay sau đó ông Đoàn Văn Vươn (52 tuổi) bị bắt giữ.
Chiều 7/1, ông Đào Văn Quý (46 tuổi), em trai ông Vươn, được công an xác
định là nghi can nổ súng, đã trình diện. 7 người liên quan hiện đã bị
bắt giữ, 2 người đang bị truy bắt. Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca
thừa nhận, đã không lường được hết tính chất phức tạp của vụ cưỡng chế.
Khi phóng viên đến gần khu vực đầm thủy sản của của ông Đoàn Văn
Vươn ngày 10/1, nhiều thanh niên dáng bặm trợn, mang theo hung khí đã
xông ra cản đường. Ba người khác tự xưng là công an xã án ngữ lối đi
hẹp, đòi xuất trình “giấy giới thiệu của ủy ban”. Phải tới khi có chỉ
đạo của trưởng công an xã, những người này mới nhường đường.
Trả lời về việc này, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên
Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, việc này huyện không có chủ trương nhưng
đây là biện pháp quản lý. “Báo chí muốn tác nghiệp thì phải liên hệ
chính quyền địa phương. Nếu cứ đến mà tác nghiệp thì họ ngăn cấm là
đúng”, ông Khánh cho biết. |
Nguyễn Hưng
2,516
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN