
Phó Thủ tướng Vũ Văn
Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Ảnh:
VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Chính phủ
Vũ Văn Ninh nhấn mạnh yêu cầu này tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ
năm 2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 18/1.
Hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao
Theo lãnh đạo Bảo hiểm
Xã hội Việt Nam (BHXHVN), năm 2015, trong lĩnh vực xây dựng và củng cố hành
lang pháp lý, BHXH đã tổ chức, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật BHYT, xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), đề
xuất bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi), phối
hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT...
Năm 2015, BHXHVN tiếp tục
tập trung đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN
làm cho đối tượng tham gia BHYT đã tăng mạnh, đặc biệt là ở một số địa phương
trước đây có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp.
Từ chỗ cả nước có 29 địa
phương có tỉ lệ bao phủ BHYT dưới 65% dân số thì đến cuối năm 2015 cả nước chỉ
còn 4 địa phương có tỉ lệ bao phủ dưới 65% dân số. Hiện nay,
tỉ lệ bao phủ chung của cả nước đạt 76,52% dân số, vượt 1,52% so với chỉ
tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Một số địa phương thu
vượt kế hoạch với tỉ lệ cao như: Lai Châu, Long An, Hà Nam, Quảng Nam, Ninh
Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,Tây Ninh.
Đến ngày 31/12/2015, tổng
số người tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 70,2 triệu người,
tăng 6,8% so với năm 2014; tổng số thu đạt 216.576,9 tỉ đồng, bằng 106,2% kế hoạch,
tăng 9,5% so với năm 2014. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát ở mức 7.651,6
tỉ đồng, bằng 3,68% so với tổng số phải thu, giảm 1.021,2 tỉ đồng so với năm
2014.
Đặc biệt, trong khi chờ
hướng dẫn, trong tháng 12/2015, BHXH Việt Nam đã kịp thời báo cáo và đề xuất
Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT đến hết
30/6/2016 đối với 16,2 triệu người (thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng
sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn, danh sách các xã đặc biệt khó khăn,
vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) được NSNN đóng, hỗ trợ đóng.
Việc thực hiện chế độ,
chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời và đúng quy định. Năm 2015,
toàn ngành giải quyết chế độ BHXH cho hơn 8 triệu lượt người (chưa bao gồm đối
tượng do lực lượng vũ trang giải quyết), tăng 11% so với năm 2014; phối hợp giải
quyết cho hơn 530.000 người hưởng chế độ BHTN, tăng 3% so với năm 2014; thanh
toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho hơn 130 triệu lượt người, giảm 4,1%
so với năm 2014.
Trong năm 2016, BHXH Việt
Nam tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là hoàn
thiện các quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động.
Theo đó, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu như: Đạt từ hơn 72,448 triệu
người trở lên tham gia BHXH, BHYT, BHTN; số thu đạt 235.095 tỉ đồng; chi
trả an toàn, kịp thời với tổng số tiền khoảng 236.997 tỉ đồng…
Chỉ đạo tại hội nghị,
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế, chính sách
BHXH, BHYT và BHTN của BHXH Việt Nam trong thời gian qua, đáp ứng được yêu cầu
chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để BHXHVN hoạt
động tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng
với tỉ lệ gần 77% dân số tham gia BHYT và tăng đều qua các năm và giảm được nợ
đọng BHXH là điểm sáng trong hoạt động của ngành. Đi liền với đó là thực hiện
giải quyết chế độ đúng quy định, nhanh chóng, thuận tiện hơn, góp phần bảo đảm
an sinh xã hội và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Ảnh: VGP/Thành Chung
Xử lý nợ đọng, quản lý tốt thu chi
Về thực hiện nhiệm vụ
trong năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu BHXHVN làm tốt công tác truyền
thông để toàn dân hiểu được lợi ích và sự cần thiết khi tham gia BHXH, BHYT và
BHTN.
“Người dân có thói quen
khi bị ốm đau mới đi mua BHYT, không lo xa. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền
hơn nữa để người dân nâng cao ý thức chủ động tham gia, nhất là bảo hiểm tự
nguyện”, Phó Thủ tướng nói.
Hơn nữa, đối tượng BHXH
quản lý rất là rộng nên cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương để
thực hiện nhiệm vụ, nhất là Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Ngành tiếp tục khắc phục
và xử lý các trường hợp nợ đọng khi mà “nợ đọng vẫn còn hơn 7.600 tỉ đồng”, Phó
Thủ tướng lưu ý.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng
Vũ Văn Ninh đề nghị ngành quản lý tốt việc thu, chi BHXH, BHYT, BHTN nhằm thực
hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội mà Đảng, Chính phủ giao phó. “Cần có tổng kết,
đánh giá việc chi trả lương hưu qua hệ thống bưu điện. Có tốt không, còn điểm
gì còn vướng mắc. Nếu tốt thì nhân rộng ra, tạo điều kiện cho người nghỉ hưu ở
các địa phương. Bảo đảm chi đúng, chi đủ cho các đối tượng được hưởng”, Phó Thủ
tướng nói.
Về xử lý vấn đề lạm dụng
chi trả trong BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là vấn đề phức tạp.
“Danh mục thuốc vô cùng nhiều, danh mục khám chữa bệnh còn khó hơn nữa. Có một
bệnh thôi mà mức khám khác nhau, liệu pháp điều trị khác nhau. Nếu BHXH làm một
mình thì không nổi nên cần phối hợp với ngành y tế để giải quyết hiệu quả hơn”,
lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.
Thành Chung
Theo Cổng thông tin điện
tử Chính phủ
2,814