Ngày 25-9, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã chủ trì hội nghị
Phổ biến nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn
quốc đến năm 2025 (gọi tắt là QHBC).
Các đài phải tự chủ tài chính
QHBC nêu rõ mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in
thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng
điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí
in chuyên ngành. “Các sở, ngành không có cơ quan báo in” - QHBC nêu rõ.
Tuy nhiên, định hướng quy hoạch đối với báo
in và tạp chí in là mỗi cơ quan báo in có thể có nhiều ấn phẩm. Các cơ quan báo
in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy
trực thuộc trung ương, cơ quan cấp bộ, ngành cấp trung ương (trừ các quân khu,
quân chủng).
Theo QHBC, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty
nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo
in và 1 cơ quan tạp chí in. Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh
viện đủ điều kiện theo quy định được có 1 cơ quan tạp chí in...

Ông Nguyễn Bắc Son: “Không giao sở,
ngành thực hiện QHBC mà giao lãnh đạo cấp ủy Đảng chỉ đạo cơ sở triển khai”
QHBC
chỉ rõ đến năm 2020, các đài truyền hình địa phương tự chủ về tài chính. Mỗi
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh truyền hình. Mỗi đài
chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình. Riêng Đài Hà Nội và Đài TP HCM có
cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, phạm vi thông tin nên mỗi đài có tối đa 2
kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình.
Định
hướng quy hoạch đối với báo và tạp chí điện tử cũng đã được công bố cụ thể.
Theo đó, định hướng sắp xếp hệ thống báo điện tử cơ bản tương tự báo in. Cơ
quan, tổ chức có cơ quan báo in, tạp chí in thì được có phiên bản điện tử. Các
cơ quan, tổ chức dưới cấp bộ, ngành, tỉnh (là cấp không được có báo in) mà hiện
có báo điện tử thì sắp xếp theo hướng chuyển cơ quan báo điện tử sang trực
thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh.
Các
tổ chức, xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ có tạp chí điện tử,
không có báo điện tử. Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ
quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.
Dự
kiến trước ngày 20-10, các cơ quan chủ quản sẽ gửi báo cáo quy hoạch của mình.
Lộ trình thực hiện là trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ
quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến
năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp theo đề án QHBC.
Lo
nhà báo mất việc
Bộ
trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son nhìn nhận quá trình triển khai QHBC sẽ xảy ra
những mâu thuẫn, vướng mắc như Báo Tuổi Trẻ là tờ báo về kinh tế, chính trị của
cả nước, song đây lại là báo của cấp sở, trong khi theo quy hoạch thì cấp sở
không có báo chí. Hoặc báo điện tử Dân Trí có lượng truy cập lớn nhưng lại là
báo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong khi theo đề án QHBC thì hội nghề nghiệp
không có báo điện tử.
Hoặc
TP HCM hiện có tới 18 cơ quan báo chí, nếu triển khai theo quy hoạch thì chỉ
còn 1 cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP HCM. “Đây là bài toán khó, chúng
ta phải cùng chung tay thực hiện. Sẽ không thể làm được nếu không kiên quyết,
quyết tâm” - ông Son nhấn mạnh.
Bên
cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lưu ý việc tổ chức triển khai QHBC phải tính
tới chuyện người làm báo sẽ mất việc. “Các cơ quan chủ quản cũng cần phải tính
đến đặc thù của cơ quan báo chí. Những tờ báo thực sự chi phối, có tính định
hướng trong xã hội thì cần tính toán xem có nên thay đổi cơ quan chủ quản hay
không” - ông Nguyễn Bắc Son nói.
Trao
đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết
ngày 1-10, bộ sẽ làm việc với
TP
HCM và một số tổ chức xã hội nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc có thể
xảy ra khi tiến hành QHBC. “Chúng tôi sẽ bàn bạc với lãnh đạo TP xem xét sắp
xếp hợp tình hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn, nhất là cho đội ngũ phóng viên” -
ông Tuấn nói.
Thế Dũng
Theo Người Lao động
3,198
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN