Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về
việc sửa đổi quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã
qua sử dụng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa
học và Công nghệ tổng hợp, nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các
doanh nghiệp và các quy định tương tự của các nước, khẩn trương hoàn thiện dự
thảo sửa đổi Thông tư, sớm ban hành Thông tư mới quy định việc nhập khẩu máy
móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo đúng thẩm quyền, đúng
quy định pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây
chuyền công nghệ đã qua sử dụng cần được nghiên cứu kỹ (Ảnh minh họa)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học
và Công nghệ lưu ý việc quy định thời hạn sử dụng; chất lượng máy móc, thiết bị,
dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; thẩm quyền và thủ tục xử lý thông quan, nhập
khẩu phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối
với yêu cầu phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thực hiện theo đúng quy
định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006.
Đối với những trường hợp đặc biệt, yêu cầu
quy định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ quản lý ngành, lĩnh
vực thống nhất xem xét, quyết định. Đồng thời, xem xét quy định thêm việc cấm
nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã
công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ quản lý
ngành thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiếp tục rà soát,
sớm ban hành và cập nhật Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an
toàn thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; thực hiện công bố đầy
đủ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của các Bộ.
Trước đó, Thông tư 20/2014/TT-KHCN quy định
về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực
từ 1/9/2014.
Nhưng sau khi phát hành Thông tư, có rất
nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, nhập
khẩu, đầu tư nước ngoài. Nhiều người cho rằng đây là một rào cản đối với doanh
nghiệp nhập khẩu hàng hóa máy móc.
Cuối tháng 8 năm ngoái, trước khi Thông
tư có hiệu lực, Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng thi hành. Quý I vừa qua, Bộ KHCN
xây dựng lại Thông tư này.
Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ KHCN hồi
tháng 4/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Thông tư 20 có gây phiền
nhiễu cho doanh nghiệp, bà Trần Tuyết Nhung (Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định
và Giám định công nghệ) phủ nhận điều này. Bà Nhung cho biết nếu không có thông
tư 20, doanh nghiệp nhập khẩu không có rào cản nào. Tuy nhiên, các cơ quan hải
quan, thuế quan luôn mong muốn có những quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn hàng
hóa. Bản thân doanh nghiệp cũng có các tiêu chuẩn để đánh giá, thực hiện. Theo
bà Nhung, việc ban hành Thông tư tạo ra sự rõ ràng, minh bạch chứ không phải
phiền nhiễu.
Trước đó, qua khảo sát của Bộ Khoa học –
Công nghệ cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay sử dụng công nghệ lạc hậu của
thập kỷ 60, 70. Rất ít DN sử dụng công nghệ của thập kỷ 80, 90, chỉ có một số
DN có vốn đầu tư nước ngoài thì sử dụng công nghệ của những thập kỷ gần đây.
Trong khi đó, 75% số thiết bị nhập từ Trung Quốc.
Tào Nga
Theo Khám phá
6,665
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN