
Thủ tướng cam kết:“Chính phủ Việt Nam
quyết tâm đạt được các mục tiêu cụ thể để đến cuối năm nay, môi trường kinh
doanh của Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước ASEAN-6 và đến hết 2016 nhiều mặt
sẽ đạt mức trung bình của 4 nước tốt nhất ASEAN”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sự quan tâm của Thủ tướng và các thành
viên Chính phủ với Diễn đàn đã gây ấn tượng mạnh cho những tổ chức, doanh nghiệp
tham dự và cả Ban Tổ chức.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, bà
Victoria Kwakwa nhận xét, việc 6 Bộ trưởng cùng tham dự là một “kỷ lục”. Còn Chủ
tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hóm hỉnh nhận xét với phóng viên rằng, tham dự Diễn đàn lần
này, các doanh nghiệp như được dự một cuộc họp Chính phủ mở rộng.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 8/6, hai
đồng Chủ tịch Liên minh VBF - ông Vũ Tiến Lộc và bà Virginia B.Foote, Chủ tịch
Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt - cũng đều hào hứng thông báo trước thông tin này
cho các phóng viên.
Không khó để nhận thấy trong bối cảnh diễn
ra Diễn đàn, các đại biểu quan tâm nhất tới hai dòng sự kiện chính. Một mặt, Việt
Nam đang nỗ lực chủ động hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, với triển vọng hoàn tất
14 Hiệp định Thương mại tự do trong thời gian tới. Mặt khác, Chính phủ đang có
những nỗ lực quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Chúng tôi xin bày tỏ sự cảm kích đối với
chỉ đạo trong Thông điệp năm mới 2014 của Thủ tướng, các Nghị quyết số 19/NQ-CP
năm 2014 và năm 2015, theo đó cần “mở rộng đối thoại với người dân và doanh
nghiệp bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ
trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn”, bà Sherry Boger, Chủ tịch
Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, diễn giả trình bày đầu tiên, đã
trích nguyên văn yêu cầu “mở rộng đối thoại” từ Thông điệp của Thủ tướng.
Trên thực tế, doanh nghiệp đã cảm nhận được
kết quả của những nỗ lực cải cách. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra một ví dụ:
Kết quả khảo sát cho thấy lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015 đã có hơn 70%
doanh nghiệp cho biết họ hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành
Thuế.
“Đó là tiến bộ vượt bậc, cho thấy nếu thực
hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể mở ra triển vọng đột phá
bất ngờ ở nhiều lĩnh vực trong một thời gian ngắn. Vấn đề là cần có quyết tâm
chính trị và sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành, từ tư duy, quan điểm đến
hành động”, ông Lộc nói.
Thế nhưng, việc Thủ tướng cùng với 6 Bộ
trưởng trực tiếp tham dự Diễn đàn có lẽ không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy những
quyết tâm, những nỗ lực đồng bộ một cách chung chung. Tại phiên họp Chính phủ
thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra, Thủ tướng đã nhắc nhở các Bộ, ngành rằng việc
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần bằng ý
chí hay quyết tâm, mà phải bằng việc sửa đổi từng chính sách, từng quy định cụ
thể.
Thực tế, trong suốt 5 giờ đồng hồ, từ 8
giờ sáng đến 1 giờ chiều, cộng đồng doanh nghiệp đã có cơ hội trực tiếp “kêu” với
Thủ tướng và từng “Tư lệnh ngành” về hàng loạt vấn đề. Không ít vướng mắc đã
tìm được lời giải từ các vị Bộ trưởng, có thể chưa khiến người hỏi thật hài
lòng, nhưng đều hết sức cụ thể, rõ ràng. Cùng với đó, là những cam kết làm yên
lòng các nhà đầu tư.
Doanh
nghiệp hỏi, Bộ trưởng trả lời
Câu chuyện về thông tư nhập khẩu máy móc
cũ là một ví dụ. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định dự thảo thông tư
mới nhất về vấn đề này “chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề quan ngại của
các nhà đầu tư”. Theo đó, nếu dự án FDI đã được phê duyệt thì việc nhập khẩu
máy móc phục vụ dự án sẽ không cần bước thẩm định nữa. Còn sau đó, nếu nhập các
máy móc nằm ngoài dự án thì nhà đầu tư được lựa chọn chỉ cần đáp ứng một trong
hai tiêu chí: Hoặc là máy có tuổi thọ dưới 10 năm hoặc máy có chất lượng bằng
ít nhất 70% so với ban đầu.
“Và nếu nhà đầu tư cam kết bảo đảm chất
lượng máy móc cũ, thì chúng tôi sẽ cho thông quan ngay, lắp đặt xong mới giám định,
chỉ khi không đúng như cam kết thì nhà đầu tư phải chịu mọi phí tổn. Mặt khác,
với từng lĩnh vực chuyên ngành thì các bộ, ngành có thể đưa ra các quy định đặc
thù chứ không cứng nhắc áp một tiêu chuẩn cho mọi loại máy móc”, Bộ trưởng Nguyễn
Quân cho hay.
Trước lo ngại của các nhà đầu tư nước
ngoài về việc phải thực hiện 2 thủ tục riêng biệt là chứng nhận đầu tư và đăng
ký doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định vào Việt Nam
thì ít nhất phải có dự án đầu tư mới được thành lập doanh nghiệp, nhiều nước
cũng quy định như vậy.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định mới của
Chính phủ sẽ rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 45 ngày như trước
đây xuống còn 15 ngày. Và trong vòng 2 ngày sau khi chứng nhận đầu tư, cơ quan
đăng ký kinh doanh sẽ phải làm xong thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm
Thị Hải Chuyền cam kết sẽ sửa đổi quy định yêu cầu người nước ngoài vào Việt
Nam làm việc chỉ vài ngày cũng phải xin giấy phép lao động, phải xin lý lịch tư
pháp ở cả nước xuất cảnh, cả ở Việt Nam…
Về phía Bộ Tài chính, trước lo ngại của
không ít doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định chắc chắn không có
chuyện truy thu thuế với các mặt hàng trước kia được miễn thuế nay phải chịu
thuế do thay đổi biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi...
Dành cả buổi sáng để nghe các doanh nghiệp
kiến nghị và các Bộ ngành trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ KH&ĐT
tổng hợp các khuyến nghị, kiến nghị của các đại biểu tại diễn đàn và yêu cầu
các Bộ trưởng theo lĩnh vực quản lý của mình để có những xử lý, giải quyết cụ
thể.
Thủ tướng nhấn mạnh: Vấn đề gì thuộc về
Bộ thì Bộ phải xử lý cụ thể; vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính
phủ thì trình Thủ tướng, Chính phủ quyết định; còn vấn đề gì thuộc về luật pháp
thì Chính phủ sẽ cân nhắc, xem xét để trình Quốc hội quyết định với tinh thần
là tạo mọi thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cũng như
để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, của nền kinh tế
Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết
19, các Bộ trưởng đều cam kết sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. “Chính phủ Việt
Nam quyết tâm đạt được các mục tiêu cụ thể để đến cuối năm nay, môi trường kinh
doanh của Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước ASEAN-6 và đến hết 2016 nhiều mặt
sẽ đạt mức trung bình của 4 nước tốt nhất ASEAN”, Thủ tướng cam kết.
Hà Chính
Theo
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
2,637