Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú
Yên, cho biết đã yêu cầu UBND huyện Tây Hòa chỉ đạo Thanh tra huyện xác minh,
làm rõ trách nhiệm của tập thể, các cá nhân liên quan trong việc tự cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) đối với 13 hộ dân ở khu vực Bầu Chợ, thị trấn
Phú Thứ, huyện Tây Hòa và báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể cho UBND tỉnh.
Cấp
sai quy định
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND huyện
Tây Hòa, cho biết năm 1994, HĐND xã Hòa Bình 2 (nay là thị trấn Phú Thứ) đã
thông qua chủ trương san lấp, cải tạo mặt bằng khu vực Bầu Chợ để xây dựng
thành khu trung tâm dịch vụ của xã. San lấp xong, xã chia thành 15 lô đất (diện
tích 100 m2/lô) và tổ chức đấu thầu cho người dân thuê đất nhằm tăng thu cho
ngân sách xã. Kết quả có 15 hộ dân trúng đấu giá (hiện còn 13 hộ vì có hai hộ
bán lại), được UBND xã Hòa Bình ký hợp đồng cho thuê đất 20 năm (tính từ ngày
10-11-1994 đến 10-11-2014).

Giấy đỏ do UBND xã Hòa Bình 2 tự chế, cấp
cho người dân ở xã. Ảnh: ANH NGỌC
Kèm theo mỗi hợp đồng là một giấy “chứng
nhận quyền sử dụng đất” do UBND xã Hòa Bình 2 tự vẽ, có chữ viết tay, được ông
Võ Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 2, ký tên, đóng dấu. Ngoài ra, UBND xã
còn thông tin hợp đồng thuê đất, giấy đỏ do xã vẽ và cấp chỉ là tạm thời nên xã
cam kết đến tháng 4-1996, người dân sẽ được cấp giấy đỏ chính thức. Nếu đến
tháng 4-1996 mà chưa cấp giấy đỏ thì UBND xã Hòa Bình 2 sẽ đền bù mọi thiệt hại
cho người dân về tiền mua đất, chi phí xây dựng nhà ở theo giá hai bên đã thỏa
thuận. Cụ thể một lô đất được quy ra 30 chỉ vàng và phải trả lãi theo lãi suất
ngân hàng.
Tuy nhiên, người dân phản ánh họ đã xây
nhà kiên cố trên đất và liên tục đề nghị xã Hòa Bình 2 (sau này là thị trấn Phú
Thứ) làm thủ tục cấp giấy đỏ nhưng không được giải quyết. “Chúng tôi mua đất được
chủ tịch xã ký giấy và xây nhà đúng theo quy hoạch nhưng lại không được cấp giấy.
Hết nhiệm kỳ chủ tịch xã này đến nhiệm kỳ khác nhưng họ đều cho qua chuyện.
Chúng tôi khiếu nại đến UBND huyện cũng không được giải quyết. Bây giờ huyện
nói giấy đỏ của xã cấp trước đó không đúng quy định” - ông Trần Ngọc Bính, một
hộ dân, bức xúc.
Dân
có thể được cấp giấy
Nhiều hộ dân cho biết nếu không được cấp
giấy đỏ họ sẽ khởi kiện UBND thị trấn Phú Thứ ra tòa. Trả lời việc này, ông
Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho hay lâu nay huyện chưa thể cấp
giấy cho người dân là vì UBND xã Hòa Bình 2 đã ký các loại giấy tờ cấp đất trái
quy định. Ngoài ra, theo thông báo của Sở GTVT vào năm 2012 thì toàn bộ 15 lô đất
nêu trên nằm trong hành lang an toàn giao thông quốc lộ 29.
ông Nguyễn Như Thức, Giám đốc Sở
TN&MT tỉnh Phú Yên, cũng khẳng định việc UBND xã Hòa Bình 2 cho các hộ dân
thuê đất 20 năm và tự chế ra giấy đỏ rồi lại cam kết đến tháng 4-1996 sẽ cấp giấy
sử dụng đất lâu dài cho người dân là trái với Luật Đất đai. “Tuy nhiên, các hộ
dân trên đủ điều kiện được cấp giấy đỏ nên Sở TN&MT đã đề nghị UBND huyện
Tây Hòa làm việc lại với Sở GTVT để xác định thời điểm quy hoạch. Nếu quy hoạch
hành lang an toàn giao thông quốc lộ 29 có sau năm 1994 thì UBND huyện Tây Hòa
phải cấp giấy đỏ cho người dân. Còn nếu quy hoạch có trước năm 1994 thì các hộ
dân không được cấp giấy đỏ - ông Thức nói.
Ông Thọ cho biết Thanh tra huyện Tây Hòa
đang rà soát lại toàn bộ vụ việc, trong đó có quy trách nhiệm tập thể, các cá
nhân liên quan. Sau khi có kết quả, huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh về hướng giải
quyết.
ANH NGỌC - TẤN LỘC
Theo
Pháp luật TP.HCM
8,080
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN