Tại Hội thảo “Nhà ở xã hội ở Việt Nam - Bài học từ
kinh nghiệm quốc tế” do Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ Xây
dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, một bộ phận lớn những người dân ở đô thị còn
rất khó khăn về nhà ở, hoặc sống trong những ngôi nhà chưa kiên cố, chưa an
toàn, cần phải được cải tạo, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu có một chỗ ở an toàn
và chất lượng hơn.
Bộ trưởng cũng cho biết, khi đích thân đi tiếp xúc,
khảo sát, ông thấy đa số những người công nhân ở những KCN - những người đã tạo
ra những sản phẩm mới cho nền kinh tế nhưng họ vẫn phải ở trong những căn nhà
trọ rất chật hẹp, chất lượng kém, sập xệ.
“Ở các vùng đô thị, không chỉ những người lao động mà
cả công chức, viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức … nhiều người cũng đang phải ở
trong những ngôi nhà chật chội. Có người thuê nhà, thuê những phòng, căn hộ
không đảm bảo chất lượng. Và tất cả họ, đều có mong ước đơn giản là có một chỗ
ở, cần có một căn hộ nhỏ nhưng đảm bảo chất lượng để họ được độc lập và có chủ
quyền với căn hộ đó.” – Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, để cải thiện được nhà ở
như vậy là một điều rất khó trong khi giá nhà ở hiện nay mặc dù có những sự hỗ
trợ nhưng còn rất cao so với thu nhập của người lao động bằng chính sức lao
động của mình.

Người dân có thể được thế chấp chính ngôi nhà sẽ mua
để vay tiền mua nhà bằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ
Thế chấp nhà mua để… mua nhà
Về các giải pháp tháo gỡ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
cho biết, quan trọng nhất là giải pháp phải gắn tháo gỡ khó khăn cho thị trường
BĐS với chiến lược nhà ở quốc gia, để sản phẩm BĐS tạo ra phải đến với người
dân.
“BĐS tạo ra phải phù hợp với nhiều đối tượng, cả
người giàu và người nghèo, để mọi người tiếp cận được với nhà ở và cải thiện
nhà ở.” – Bộ trưởng nói.
Về gói tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho người dân
vay với lãi suất thấp, Bộ trưởng cho biết gói này không phải để cứu BĐS mà là
để hỗ trợ cho những người khó khăn về nhà ở, thu nhập trung bình và thấp không
có điều kiện tiếp cận với nhà ở theo cơ chế thị trường. “Gói này ở ngân hàng,
và ngân hàng có trách nhiệm giải quyết. Bộ Xây dựng cùng với ngân hàng đang
tích cực đề ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, để giải ngân nhanh.” – ông
cho biết.
“Phải tăng cung nhà ở xã hội, vì nếu không có nhiều
nhà ở xã hội, dưới 70m² và giá dưới 15tr/m² thì không thể giải ngân được nhiều.
Và chắc chắn không thể giải ngân cho những đối tượng không được cho phép theo
quy định của gói tín dụng này. Gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng,
tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết đã cùng
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước ký 1 Thông tư liên
tịch quy định về việc thế chấp nhà ở, tài sản người dân mua để được vay gói tín
dụng hỗ trợ của Chính phủ. Ông hy vọng quy định này “sẽ mở ra hướng tốt.”
Để giải ngân nhanh gói tín dụng hỗ trợ ưu đãi, theo
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa
phương bởi tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội đều ở địa phương, thuộc
thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định. Ngoài ra, việc xác định tiêu
chí, điều kiện mua nhà… đều do chính quyền địa phương quận huyện, xã phường
quyết định… do vậy, các đơn vị này cũng cần sự vào cuộc để người dân có điều
kiện tiếp cận với nhà ở xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia của Ngân
hàng Thế giới Kwakwa nhận định, đối với đô thị Việt Nam, phân khúc
nhà ở thương mại giá cao đang thừa cung trong khi nhà giá rẻ lại thiếu cung.
"Sự thất bại của thị trường ở phân khúc trên
thời gian qua cho thấy để hỗ trợ được 40% dân số đô thị có thu nhập dưới mức
trung bình, chính sách đề ra cần giúp hợp thức hóa được số người định cư không
đăng ký hộ khẩu một cách chính thức này." - bà Kwakwa nói và thêm
rằng, vấn đề cần giải quyết để có nhà ở tương đối rẻ cho người dân ở các khu
vực thu nhập khác nhau là nhà nước phải đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho
các nhà đầu tư tham gia vào những phân khúc thị trường khác nhau, làm lành mạnh
thị trường bất động sản.
Xuân Hưng
Theo
VnMedia
4,243
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN