Nguyên tắc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật từ 01/01/2026
Theo đó, nguyên tắc xây dựng, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật từ 01/01/2026 được quy định như sau:
* Nguyên tắc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật
- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải phù hợp thực tiễn Việt Nam, thông lệ quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước.
- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động của quy chuẩn kỹ thuật;
- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ với hoạt động đánh giá sự phù hợp, không tạo rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại;
- Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật phải cụ thể các quy định kỹ thuật dựa trên tính năng của sản phẩm, hạn chế các yêu cầu về kiểu dáng hoặc đặc tính mô tả của đối tượng quy chuẩn kỹ thuật.
- Nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được viện dẫn đến tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài. Trường hợp viện dẫn đến tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, cơ quan ban hành phải bảo đảm sẵn có bản tiếng Việt của tài liệu viện dẫn để cá nhân, tổ chức tham khảo khi được yêu cầu.
- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương không quy định các yêu cầu khác cho cùng đối tượng đã được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trừ trường hợp được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia giao quyền.
* Nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật
- Quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc, là cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.
- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương được áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
* Quy định về công bố hợp quy từ 01/01/2026
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm công bố sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng dựa trên một trong những kết quả sau:
+ Kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật.
+ Kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật.
+ Kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân trên cơ sở kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật.
+ Kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo quy định tại Điều 57 Luật số 70/2025/QH15.
- Tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hợp quy qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng với các thông tin cụ thể sau: Tên sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường; tên, số hiệu quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; tên người chịu trách nhiệm pháp lý; tài liệu kỹ thuật liên quan kèm theo.
- Dấu hợp quy là dấu hiệu chứng minh sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Dấu hợp quy được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sau khi sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Xem thêm chi tiết tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
85