Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội
khóa XIII, cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ ban hành những chính
sách về thuế và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, tạo
môi trường thuận lợi và công bằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Về vấn
đề này, Bộ Tài chính trả lời ý kiến cử tri thành phố Hải Phòng như sau:
Theo quy định của pháp luật về đất đai
trước ngày 1/7/2014 (Luật
Đất đai năm 2013), tổ chức và cá nhân nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư
sản xuất kinh doanh vào Việt Nam (bao gồm cả hoạt động trong lĩnh vực kinh
doanh bất động sản) được Nhà nước cho thuê đất theo hình thức thuê đất trả tiền
hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê với thời hạn thuê
đất tối đa 50 năm, trong một số trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng tối đa
không quá 70 năm.
Trong khi đó, đối với tổ chức kinh tế và
cá nhân trong nước được Nhà nước giao đất có thời hạn (tối đa 50 năm, trong một
số trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng tối đa không quá 70 năm) hoặc thuê
đất trả tiền thuê đất hàng năm để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh;
riêng đối với đầu tư xây dựng nhà ở để bán (kinh doanh bất động sản) thì được
giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Ngoài ra, về khả năng tiếp cận đất đai của
tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam; mặc dù pháp
luật đã có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể tham gia đấu giá quyền sử
dụng đất nhưng thực tế hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải ứng trước tiền
bồi thường giải phóng mặt bằng cho Nhà nước để thực hiện bồi thường, giải phóng
mặt bằng; sau đó sẽ được trừ vào tiền thuê đất phải nộp; trong khi đó, nghĩa vụ
tài chính được xác định tại thời điểm Nhà nước cho thuê đất nên khoản tiền nhà
đầu tư đã ứng trước để bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được bảo toàn về giá
trị so với số tiền thuê đất phải nộp.
Để đảm bảo bình đẳng giữa các nhà đầu tư
trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện dự án đầu tư có
sử dụng đất tại Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh
doanh; Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014) đã có những
thay đổi cơ bản.
Theo đó, thống nhất một hình thức thuê đất
(trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) đối với đất sản
xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất ở) và thực hiện giao đất có
thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài để thực hiện dự án đầu
tư xây dựng nhà ở để bán hoặc nhà ở để bán kết hợp với cho thuê, không phân biệt
giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài như quy định tại Luật Đất đai năm
2003. Theo quy định hiện hành, không có sự khác biệt về nghĩa vụ tài chính đất
đai giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi được giao đất, cho thuê đất để
thực hiện dự án đầu tư cũng như chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất,
tiền thuê đất.
Ngoài ra, liên quan đến khả năng tiếp cận
đất đai, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định Nhà nước sẽ chủ động thu hồi đất
theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng
tạo quỹ đất “sạch” để giao cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá hoặc
không đấu giá; nhà đầu tư không phải ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt
bằng cho Nhà nước như trước đây.
Tuy nhiên, trường hợp nhà đầu tư tự nguyện
ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho Nhà nước thì sẽ được trừ vào
tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
Theo
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
6,460
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN