Các nhà khoa học cảnh báo không nên có động thái cắt xén sông Đồng Nai - Ảnh: TL.
|
Chính
quyền: không ảnh hưởngTheo chính quyền tỉnh Đồng Nai, việc xây dựng kè lấn sông
tại đoạn dòng sông mở rộng lấn sâu vào bờ từ vị trí Sở Giáo dục và Đào tạo đến
đình Phước Lư (đoạn do công ty Toàn Thịnh Phát đang thi công dự án lấn sông
Đồng Nai làm khu đô thị) không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút
thắt gây ảnh hưởng đến giao thông trên sông và thoát lũ.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng trước đó vào đầu năm 2008,
UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký hợp đồng với Viện
Khoa học Thủy lợi miền Nam để đánh giá tác động đến dòng chảy theo mục tiêu làm
bờ kè lấn sông. Kết quả đánh giá cho thấy việc chỉnh trang đô thị đoạn
nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh theo các phương án lấn sông 50 – 100 mét không
làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy trên đoạn sông, không làm
ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận.
UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định việc đồng ý cho công ty
Toàn Thịnh Phát đầu tư dự án này là có sự thống nhất của thường trực UBND tỉnh,
có báo cáo với Thường vụ tỉnh ủy. Do đó chủ trương đầu tư này là đúng trình tự,
thủ tục, phù hợp quy hoạch.
Chuyên
gia: tác động xấu, ảnh hưởng xấu
Ngày 23-3 vừa qua, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam ra thông
cáo nhấn mạnh rằng sông Đồng Nai là tài sản chung của nhiều người,
không thuộc riêng Đồng Nai, nên tỉnh này không thể lấp sông làm dự án đô thị
như hiện nay. Vì thế, tổ chức bảo vệ hệ thống sông Việt Nam này đã đề nghị
chính quyền tỉnh Đồng Nai phải dừng mọi hoạt động xây dựng cho đến khi có các
nghiên cứu về tác động của dự án với sự tham vấn ý kiến của đầy đủ các bên liên
quan.
Thông qua báo chí, một số nhà khoa học đã bày tỏ sự phản
đối dự án lấn sông Đồng Nai vì họ cho rằng dự án "Cải tạo cảnh quan và
phát triển đô thị ven sông Đồng Nai", quy mô 8,4 héc ta tại phường Quyết
Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sẽ có những tác động xấu, ảnh hưởng đến
môi trường kinh tế và xã hội lưu vực sông Đồng Nai. Dự án sẽ đặt tiền lệ xấu
cho việc vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ và ảnh hưởng dòng chảy của các
con sông của Việt Nam trong tương lai.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay (24-3), một chuyên gia
của Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định: theo
nguyên tắc dòng chảy thì việc bồi lấp một bên bờ sông sẽ rất dễ làm thay đổi
dòng chảy, làm xói lở bờ bên kia.
Vị chuyên gia này khẳng định cho dù nhà đầu tư và chính
quyền tỉnh Đồng Nai có lý do để khẳng định dự án này an toàn, nhưng với vai trò
quan trọng của dòng sông Đồng Nai vốn có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho
gần 18 triệu người sinh sống ở 11 tỉnh thành trong đó có TPHCM và Đồng Nai, thì
dự án lấp sông sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Nếu những địa phương khác cũng đua
nhau “cắt xén” bờ sông Đồng Nai thì hiểm họa sẽ rất khó lường.
Luật:
Nghiêm cấm xâm phạm hành lang bảo vệ nguồn nước
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tại khoản 5, Điều 9 của Luật Tài
nguyên nước được Quốc hội ban hành năm 2012 nêu rõ: “Các hành vi bị nghiêm cấm
gồm khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai
thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các
hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối,
kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an
toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”.
Ngoài ra, Điều 31 của Luật Tài nguyên nước cũng có quy
định về hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo đó, một trong những nguồn nước phải
lập hành lang bảo vệ gồm: hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước khác;
sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng
đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường …
Như vậy, từ các quy định tại Luật Tài nguyên nước nói
trên, tuy trước mắt dự án đô thị lấn sông Đồng Nai chưa gây ra tình trạng sạt
lở nghiêm trọng hay uy hiếp đến sự ổn định an toàn của sông, nhưng việc triển
khai một dự án khu đô thị có sử dụng diện tích mặt nước sông Đồng Nai lớn có
khả năng sẽ gây ra những tổn hại lớn về môi trường về sau, làm thay đổi dòng
chảy của sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố đông dân cư như Biên Hòa. Do
vậy, rất cần phải có hành lang bảo vệ an toàn sông Đồng Nai thay vì hành động
lấn sông xây đô thị.
Văn Nam – Thái Ngọc
Theo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
3,997
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN