Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”
do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT trình Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo vào tháng 10/2013.
Từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay, nước ta đã 3 lần
tiến hành cải cách giáo dục (năm 1950, 1956 và 1981) và đã đạt được nhiều thành
tựu. Tuy nhiên, thời cuộc đã thay đổi, nền giáo dục nay đã bộc lộ những yếu kém
bất cập, trong đó có nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài. Nhiều chính sách,
cơ chế, giải pháp về giáo dục đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, nhưng
nay không còn phù hợp.
Để giáo dục Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu xã hội và hội
nhập với các nước trong khu vực cũng như thế giới, Đề án “Đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo” đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục cần thực
hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới
mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục.
Để giúp độc giả hiểu hơn về nhiệm vụ trên, phóng viên Báo điện
tử VOV phỏng vấn GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

|
GS.TS Phạm Tất Dong: "Đổi mới tư duy
giáo dục phải bắt đầu từ người có chức, có quyền" |
PV: Thưa Giáo sư, đối
với một nước có nền văn hóa coi trọng học hành như ở Việt Nam thì đổi mới tư
duy giáo dục phải bắt đầu từ đâu và cách thực hiện như thế nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Theo tôi, đổi
mới tư duy trong giáo dục phải bắt đầu bằng việc đổi mới mục tiêu giáo dục –
đào tạo con người Việt Nam trong điều kiện của một nước đang hội nhập quốc
tế ngày càng sâu rộng, đồng thời khắc phục bệnh “thành tích” trong giáo dục
để sản phẩm do ngành giáo dục đào tạo ra không bị biến dạng.
Ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo tổ chức thi phải
chặt chẽ, khách quan và nghiêm túc như kỳ thi ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT phải khuyến
khích các địa phương, trường học chấm thi nghiêm túc, sẵng sàng chấp nhận trường
học của mình có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp thấp.
Sở GD-ĐT các địa phương hãy bỏ thói quen dựa vào kết quả thi
tốt nghiệp ở các trường để xếp loại thi đua. Bởi vì, trường có kết quả thi tốt
nghiệp thấp là do họ tổ chức thi nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất kết quả học
tập của học sinh thì không thể coi đó là khuyết điểm.
Đổi mới tư duy trong giáo dục còn phải từ phía các cơ sở
giáo dục như: thay đổi cách quản lý, giảng dạy, thi cử theo đúng như mục tiêu
giáo dục – đào tạo mà Đảng, Nhà nước mong muốn, mang lại lợi ích cho cho đất nước,
phát triển toàn diện nguồn nhân lực.
Để đổi mới tư duy trong giáo dục nói chung và thi cử nói
riêng thì chúng ta phải làm sao cho người học không có cảm giác bị bỏ rơi, nghĩ
rằng không có lối thoát khi không đỗ tốt nghiệp THPT. Bởi từ trước đến nay, nhiều
học sinh luôn lo lắng nếu không đỗ tốt nghiệp THPT thì sẽ chẳng biết làm gì, định
hướng tương lai như thế nào.
Không nên để cho người học hoang mang nếu không tốt
nghiệp THPT
PV: Vậy theo Giáo sư, lối thoát
cho người học khi không đỗ tốt nghiệp THPT là gì?
GS.TS Phạm Tất Dong: Ở nhiều nước
trên thế giới như CHLB Đức hay một số nước có nền giáo dục tiên tiến khác đã định
hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi các em còn đang học Tiểu học, THCS. Vì vậy,
nhiều em đang học THPT là có thể chuyển sang học nghề. Đó là cách liên thông giữa
trường phổ thông với trường nghề.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì lại khác so với nhiều nước trên thế
giới. Trường dạy nghề thường tuyển học sinh học hết THPT. Nhiều trường không
tuyển người học tốt nghiệp THCS. Điều này khiến nhiều học sinh bắt buộc phải học
hết THPT.
Thế nhưng có nhiều em học lực kém, nếu tổ chức thi và chấm
điểm thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc thì chưa chắc các em đã đỗ. Nhiều học sinh
lo lắng, hoang mang nếu không đỗ tốt nghiệp THPT sẽ không biết đi đâu, về đâu,
làm gì trong tương lai…
Để giải quyết bế tắc trên, theo tôi, ở cấp Trung học hiện
nay nên bao gồm trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề và trường THPT.
Chúng ta đang phấn đấu phổ cập giáo dục Trung học chứ không phải phổ cập giáo dục
THPT. Nếu quan niệm không như vậy sẽ dẫn đến tình trạng học sinh nào cũng phải
học hết THPT mới coi là phổ cập giáo dục.
Cần quy định chặt chẽ các trường Trung cấp chuyên nghiệp,
các trường dạy nghề chỉ tuyển học sinh học hết THCS. Điều này sẽ giảm áp lực
thi cử và chạy theo bệnh “thành tích” trong giáo dục cũng như giảm ức chế đối với
phụ huynh và học sinh là phải có bằng tốt nghiệp THPT thì mới có tương lai.
Tất nhiên, Nhà nước phải có hệ thống học không chính quy để
học sinh tốt nghiệp các trường nghề đi làm rồi vẫn có thể tiếp tục học tập để
nâng cao tay nghề, học thêm nghề và có năng lực chuyển đổi nghề. Đồng thời, Nhà
nước phải chú trọng đến việc tạo việc làm và nâng mức lương cho người học nghề
sau khi tốt nghiệp.
Ở nước ta, người dân vẫn thường hướng con cái học ĐH, CĐ hơn
học nghề vì họ thấy công nhân hiện nay có mức sống quá thấp.
Người có chức, quyền phải làm gương trong đổi mới tư
duy giáo dục
PV: Qua những điều Giáo sư vừa
đề cập ở trên cho chúng ta thấy, nền giáo dục nước ta còn quá coi trọng đào tạo,
học hành, thi cử theo kiểu phải có bằng cấp. Vấn đề này cũng đã “ăn sâu bám rễ”
trong tư tưởng của người dân từ lâu. Rõ ràng, thay đổi tư duy là việc rất khó.
Theo Giáo sư, liệu chúng ta có thể đổi mới tư duy giáo dục được không và
phải đổi mới như thế nào?
GS.TS Phạm Tất Dong: Đúng là
từ trước đến nay, người dân Việt Nam luôn chạy theo bằng cấp. Nhiều người cho rằng,
học hành, thi cử để lấy bằng cấp cao thì mới mong được tiến thân, thăng chức…
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần phải có “cuộc cách mạng” đổi
mới tư duy giáo dục của người dân đối với học hành, thi cử.
Chúng ta cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tương lai của
con em họ phụ thuộc vào năng lực thực sự chứ không phải là có tấm bằng để tiến
thân. Cần giúp người dân nhận thức học để trở thành một công dân tốt. Có nghề,
có năng lực tự học khi làm nghề.
“Cuộc cách mạng” đổi mới tư duy giáo dục chỉ có hiệu quả khi
mức lương người lao động được nâng lên, xã hội mở ra nhiều hướng phát triển,
không có lao động nào bị bịt đường đi tới thăng tiến nghề nghiệp.
Cuộc cách mạng này phải được thực hiện từ những cán bộ lãnh
đạo từ cấp Trung ương đến địa phương; từ người có chức, có quyền đến người dân
bình thường trong xã hội.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.
Theo VOV
6,453