25/07/2025 16:50 PM

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước từ ngày 01/01/2026

Bài viết cung cấp thông tin về Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước từ ngày 01/01/2026.

Ngày 25/6/2025, Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước 2025 số 89/2025/QH15, trong đó có nội dung về Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước là gì?

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. (Khoản 17 Điều 1 Luật Ngân sách nhà nước).

Nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước

Căn cứ Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước 2025, nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước như sau:

- Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trong trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế.

- Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao để chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách; trường hợp đặc biệt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

- Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau đây:

+ Vay trong nước từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

+ Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

- Bội chi ngân sách địa phương:

+ Chỉ ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

+ Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định.

- Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:

+ Đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

+ Đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

+ Trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn mức dư nợ vay quy định tại điểm a và điểm b khoản này để thực hiện dự án của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp xem xét, cho ý kiến để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định.

Xem nội dung chi tiết tại Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Phạm Thùy Dương

2,073

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác