Trong báo cáo vắn tắt về tình hình kinh tế Việt Nam mang tựa
đề “Vietnam at a galance” ra ngày 1/10, HSBC cho rằng, đến nay, nền kinh tế từng
một thời được coi là “con hổ” châu Á chưa thể cất “tiếng gầm” trở lại, nhưng phần
lớn các dữ liệu kinh tế gần đây đều cho thấy sự ổn định trở lại và “tăng tốc dần
của các hoạt động kinh tế”. “Có những tín hiệu cho thấy giai đoạn khó khăn nhất
có thể đã kết thúc”, báo cáo viết.
Bản cáo cáo dẫn ra một loạt số liệu cho thấy sự cải thiện.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam do HSBC thực hiện trong tháng 9
tăng lên mức 51,5 điểm nhờ nhu cầu mạnh lên tại các thị trường xuất khẩu đối với
hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tháng 8, chỉ số này ở mức 49,4 điểm. Chỉ số
PMI trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng, còn ở dưới mức này là biểu hiện của sự
suy giảm.
Báo cáo cũng ghi nhận, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam
đã có nhiều sự cải thiện. Lạm phát chỉ tăng hơn 1% trong tháng 9, cho thấy lạm
phát có thể không còn là một mối lo lớn cho dù Chính phủ đang thận trọng hơn với
việc kiểm soát các áp lực tăng giá. HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam trong thời
gian tới sẽ tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát.
Thâm hụt thương mại trong 9 tháng đầu năm ở mức thấp, 124
triệu USD. Báo cáo nhận định, Việt Nam sẽ đạt thặng dư thương mại trong năm
nay, hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá VND.
Chuyên gia thực hiện bản báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt
Nam tiếp tục thúc đẩy việc cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vốn
còn yếu hơn so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan. Nếu việc cải thiện này
được đẩy mạnh, HSBC cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến nhanh hơn
trong những năm tới.
Theo dự báo mà HSBC đưa ra, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng
5,2% trong năm nay và 5,4% trong năm tới. Lạm phát cả năm nay sẽ là 6,6%, từ mức
9,3% trong năm 2012, và sẽ tăng lên 8,3% trong năm 2014. Tỷ giá USD/VND vào cuối
năm theo dự báo được đưa ra là 21.250 đồng và sẽ tăng lên 21.500 đồng vào cuối
năm sau.
An Huy
Theo VnEconomy
3,558
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN