Đầu cơ "đi trước một bước"
Mối quan hệ liên thông (nếu có) giữa hai TTCK Mỹ và Việt Nam dường như đang quay trở lại thời kỳ năm 2006.
Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ đã chính thức phá
ngưỡng tâm lý 13.000 điểm vào ngày 28/2/2012. Cùng lúc, chỉ số Nasdaq
cũng lập lỷ lục mới nhất cho chính nó kể từ thời điểm tháng 10/2007. Còn
gì có thể tốt hơn cho chứng khoán Mỹ, nếu so sánh với tâm lý bi quan
kéo dài trong gần ba quý cuối cùng của năm 2011?
Lẽ dĩ nhiên là mọi chuyện đang ấm dần lên, khởi nguồn
từ thời điểm đầy nghi ngờ vào cuối năm 2011. Khi đó, TTCK Việt Nam còn
đang quay quắt với những đợt lao dốc dường như bất tận. Hậu quả của
trạng thái "chết lâm sàng" trong nguyên năm 2011 đã khiến cho đại đa số
nhà đầu tư không còn tâm trạng nào để đoán biết rằng thị trường này sẽ
lập đáy chỉ ít lâu sau đó.
Cần nhắc lại, sau cú bổ nhào và mất đến gần 90% giá trị
của Nasdaq, từ năm 2004 đến năm 2007, TTCK Mỹ đã phục hồi ngoạn mục.
Riêng Dow Jones còn vượt trên cả đỉnh cũ của nó.
Cũng vào khoảng thời gian trên, TTCK Việt Nam đã hoàn
tất hai cú tăng trưởng bất ngờ - một lần vào năm 2005 và lần thứ hai vào
năm 2007. Trong cả hai lần, chỉ số VNI đều tăng hơn hai lần, ghi tên chứng khoán Việt vào bản đồ những quốc gia có TTCK tăng mạnh nhất thế giới trong giai đoạn đó.
Còn giờ đây, một chu kỳ phục hồi mới của nền kinh tế
thế giới đang lặp lại. Chính xác hơn, chu kỳ này vẫn đang được tiếp tục
bởi sự cố gắng của các nền kinh tế Mỹ và Tây Âu, và tất nhiên không thể
thiếu vắng dòng tiền đầu cơ vào TTCK.
Trong tình thế này, những lời cảnh báo dường như đang
trôi vào dĩ vãng, hoặc ít ra các nhà đầu tư cũng đang tạm quên lãng
những đe dọa mới chỉ xảy ra cách đây không lâu. Những chuyên gia như
Stiglitz, Roubini đang trở nên lép vế trước những nhà đầu cơ như Buffett
và Soros, bởi những lời cảnh báo của họ xem ra đã chưa thể ứng nghiệm
ngay với bối cảnh của nền kinh tế Mỹ trong thời gian qua và trong ít ra
vài năm tới.
Dĩ nhiên, suy thoái kép hay khủng hoảng kép vẫn là một
tiên đoán không thể thiếu trong dự cảm của nhiều người. Nhưng nếu quỹ
tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR vẫn duy trì xu thế mua ròng thì có
lẽ tình hình chưa đến nỗi phải đóng cửa các ngân hàng.
Bối cảnh trên cũng khiến cho thị trường đầu cơ ở Việt
Nam trở nên "nhúc nhích", thay cho trạng thái bất động trong suốt năm
2011. Dù rằng nền kinh tế Việt Nam còn lâu mới thoát khỏi suy thoái
trong không khí thụ động của các cơ quan quản lý và chính sách điều hành
kinh tế lẫn tín dụng, nhưng thị trường đầu cơ bao giờ cũng "đi trước
một bước" - như những gì mà nó vẫn biểu hiện từ trước đến nay.
Tăng giá: Đừng thấy mà tham
Không phải vàng hay bất động sản, mà chính là TTCK đã
trở nên tâm điểm của giới kinh doanh từ đầu năm 2012. Cho đến nay, hai
chỉ số của thị trường này đều đã phục hồi trên 20%. Nhưng khác hẳn với
thời kỳ ê ẩm 2011, lần này tình hình thanh khoản lại gia tăng ở mức đột
biến. Nếu vào năm ngoái, người ta đã không thể chứng kiến một chuỗi
phiên giao dịch có giá trị trên 2.000 tỷ đồng trên hai sàn, thì gần đây
hiện tượng này đang trở nên một thói quen. Thậm chí, có phiên giá trị
giao dịch tăng đến gần 3.000 tỷ đồng.
Không thể đánh giá khác hơn là có một dòng tiền thực sự
đang trút vào TTCK. Và với cái cách trút tiền, cũng khó có thể nhận
định khác hơn rằng đó là dòng tiền nóng - dòng tiền của đầu cơ đánh lên.
Tiền ở đâu ra? Câu hỏi này đương nhiên vẫn là một ẩn
số, và có lẽ sẽ mãi mãi là một ẩn số. Cũng như thời kỳ năm 2006-2007,
TTCK luôn phải được kích hoạt bởi những ẩn số, bởi nếu không thì cũng
như thị trường bất động sản, chứng khoán sẽ vẫn mãi ngủ đông mà không
thể có được bất kỳ con sóng tăng trưởng đáng kể nào.
Vào lần này, gần như chắc chắc những thế lực đánh lên
thị trường đang tận dụng tối đa đà lan tỏa lạc quan từ Phố Wall. Vì thế,
cũng có thể so sánh năm 2012 này với thời kỳ năm 2009, là năm mà TTCK
Việt Nam đã phục hồi cùng với hầu hết các TTCK trên thế giới.
Nhưng một ẩn số khác đối với các nhà đầu tư, sau khi đã
không thể giải quyết được ẩn số về nguồn gốc dòng tiền, là vận động của
các chỉ số chứng khoán Việt Nam sẽ như thế nào trong năm 2012 này.
Nếu cứ "căn" theo những gì đã biểu hiện của đồ thị VNI
vào năm 2009, người ta có thể vạch ra kế hoạch "lướt sóng" cho bản thân
vào năm nay. Thế nhưng, làm gì có chuyện uống nước hai lần trong cùng
một dòng sông, nhất là khi "uống nước chứng khoán"? Không có gì lặp lại
của lịch sử mà lại có giá trị, nhất là giá trị về tiền bạc. Những người
đã làm tình làm tội TTCK trong năm 2011 sẽ chẳng dễ dầu gì cho phép các
nhà đầu tư nhỏ lẻ ăn sóng một cách ngon trớn nếu vận dụng các bài học
kinh nghiệm của lịch sử.
Bởi thế, đồ thị chứng khoán năm nay sẽ đặc biệt... phức
tạp. Vào giai đoạn khởi động của nó từ đầu năm 2012 đến nay, chúng ta
đã có thể chiêm ngưỡng khá nhiều đoạn khúc khuỷu, những tình thế có thể
ví như "chết đi sống lại" của nó. Với cái cách "đi" như thế, cho dù thị
trường đã tăng được trên 20% và nhiều cổ phiếu tăng trên 40% về giá,
nhưng phần lớn nhà đầu tư chỉ có thể đạt được tỷ lệ lợi nhuận bằng hoặc
kém hơn chỉ số thị trường.
Tuy vậy, nhìn chung vẫn có một "bài học" được đúc kết,
ít ra là cho tới nay: thị trường đang vận động gần giống như ... Dow
Jones. Đó cũng là một kiểu vận động đi lên khá bền vững, với nhiều phiên
tăng điểm liên tục. Chỉ thảng hoặc, đà tăng tiến ấy mới bị phủ đầu bằng
một cú lao dốc bất thần và rất mạnh.
TTCK Việt Nam có đầy đủ "đức tính" để thể hiện những cú
lao dốc bất ngờ như thế. Thậm chí, với "đặc thù" riêng của mình, chứng
khoán Việt còn có thể làm hơn thế, nghĩa là lao dốc mạnh hơn. Điều đó
cũng hàm ý rằng ngay trong sóng tăng trưởng, một bộ phận nhà đầu tư vẫn
có thể bị trắng tay nếu dùng đòn bẩy tài chính quá tham lam.
Rất có thể, đó chính là những bất ngờ không lường được trong năm nay, nằm trong xu hướng phục hồi của chứng khoán.
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM