Triều Tiên cho rằng vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của nước này hôm nay là "quyền hợp pháp" để tự vệ trước Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh:
KCNA/Reuters.
"Cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu
tiên của Triều Tiên đã diễn ra thành công vào 10h ngày 6/1/2016 theo quyết định
chiến lược từ đảng Lao động", truyền hình quốc gia Triều Tiên đưa tin.
Triều Tiên tuyên bố lý do thử nghiệm bom
nhiệt hạch là để tự vệ trước Mỹ và đây là "quyền hợp pháp" của nước
này, theo Guardian. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân ký sắc lệnh cho phép thử
bom nhiệt hạch vào ngày 3/1 và cuộc thử nghiệm diễn ra chỉ hai ngày trước sinh
nhật ông, ngày 8/1.
"Với thành công hoàn hảo từ quả bom
H lịch sử, chúng ta đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia hạt nhân phát triển",
người dẫn chương trình trên truyền hình quốc gia Triều Tiên nói.
Triều Tiên thông báo sẽ không từ bỏ
chương trình hạt nhân khi Mỹ vẫn còn duy trì "lập trường hung hăng".
Triều Tiên khẳng định sẽ là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, không sử dụng
vũ khí hạt nhân trừ khi chủ quyền bị xâm phạm và không cung cấp năng lực hạt
nhân cho các bên khác.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng
trước tuyên bố Triều Tiên chế tạo được cả bom nguyên tử và bom nhiệt hạch, sẵn
sàng sử dụng chúng để bảo vệ lãnh thổ và phẩm giá quốc gia. Tuy nhiên, giới
chuyên gia tỏ ra ngờ vực trước tuyên bố này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ngày 3/1 dự
báo Triều Tiên có khả năng thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch tại bãi thử hạt nhân
Punggye-ri.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các lực
lượng vũ trang nước này đang tăng cường giám sát Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo sẽ có phản ứng cứng rắn với sự thách
thức từ Bình Nhưỡng, gọi cuộc thử nghiệm là mối đe dọa tới an ninh Nhật Bản.
Bom nhiệt hạch (bom H) hoạt động mô phỏng
quá trình giải phóng năng lượng hạt nhân trên mặt trời, có khác biệt ít nhiều
so với nguyên lý bom nguyên tử (bom A). Sức công phá của bom nhiệt hạch là từ sự
bùng nổ của hạt nhân hydro khi chúng chuyển thành helium. Bom nhiệt hạch có sức
công phá mạnh hơn nhiều lần bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản
ứng nhiệt hạch có hiệu suất cao hơn phản ứng nguyên tử.

Vị
trí bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đồ họa: Guardian.
Như Tâm
Theo Vnexpress
3,898
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN