
Báo nói, báo hình là gì? Quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình từ 01/01/2026 như thế nào? (Hình từ Internet)
Báo nói, báo hình là gì?
Theo Luật Báo chí 2016, báo nói, báo hình là loại hình báo chí được định nghĩa như sau:
- Báo nói là loại hình báo chí sử dụng tiếng nói, âm thanh, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
- Báo hình là loại hình báo chí sử dụng hình ảnh là chủ yếu, kết hợp tiếng nói, âm thanh, chữ viết, được truyền dẫn, phát sóng trên các hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ khác nhau.
Quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình từ 01/01/2026 như thế nào?
Theo Luật Quảng cáo sửa đổi 2025 sửa đổi quy định về quảng cáo trên báo nói, báo hình cụ thể như sau:
(1) Thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình cung cấp theo phương thức quảng bá không được vượt quá 10% tổng thời lượng phát sóng một ngày của các kênh chương trình, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
(2) Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình chương trình cung cấp theo phương thức trả tiền không được vượt quá 5% tổng thời lượng phát sóng một ngày của các kênh chương trình, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác
(3) Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình sau:
- Chương trình thời sự;
- Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc.
(4) Chương trình giải trí và phim có thời lượng dưới 05 phút không được ngắt nội dung để quảng cáo. Mỗi chương trình giải trí và phim có thời lượng từ đủ 05 phút đến dưới 15 phút được ngắt nội dung chương trình để quảng cáo một lần, có thời lượng từ đủ 15 phút trở lên thì cứ đủ 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm một lần, thời lượng mỗi lần phát quảng cáo không quá 05 phút.
(5) Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động thì diện tích quảng cáo phải bảo đảm không được vượt quá 10% diện tích màn hình; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.
Khi thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ thì sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện phía sát cạnh dưới màn hình.
(6) Cơ quan báo hình, đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình được truyền dẫn, phát sóng trực tiếp các sự kiện quốc tế, chương trình thể thao nước ngoài có sẵn một số thông tin, hình ảnh quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có bản quyền phát sóng trực tiếp tại Việt Nam;
- Không ký hợp đồng quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này; không có lợi ích trực tiếp liên quan tới việc xuất hiện các nội dung quảng cáo;
- Không có quyền kiểm soát nội dung quảng cáo và không thực hiện được các biện pháp kỹ thuật xử lý che mờ nội dung quảng cáo khi tiếp phát sóng truyền hình trực tiếp; phải cảnh báo nội dung quảng cáo không phù hợp bằng tiếng Việt, tiếng Anh và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện giải pháp ngăn chặn để bảo đảm người dùng Internet tại Việt Nam không truy cập được vào trang thông tin điện tử cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này.
Trường hợp phát lại chương trình phải có biện pháp kỹ thuật xử lý che mờ nội dung quảng cáo không phù hợp; trường hợp không thực hiện được các biện pháp kỹ thuật xử lý che mờ nội dung quảng cáo không phù hợp thì phải cảnh báo nội dung quảng cáo không phù hợp bằng tiếng Việt, tiếng Anh và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện giải pháp ngăn chặn để bảo đảm người dùng Internet tại Việt Nam không truy cập được vào trang thông tin điện tử cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ này;
- Nội dung quảng cáo không thể hiện bằng tiếng Việt.
(7) Cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu sản xuất kênh chương trình chuyên quảng cáo phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình, thủ tục cấp phép sản xuất kênh chương trình chuyên quảng cáo.
(8) Trong trường hợp cơ quan báo chí có nhu cầu thay đổi nội dung giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải gửi hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép gồm:
- Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép;
- Bản sao có chứng thực giấy phép đang có hiệu lực.
(9) Trình tự, thủ tục cấp giấy phép được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí xem xét, cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung cho cơ quan báo chí; trường hợp không cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày cấp giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo hoặc cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung; cơ quan cấp giấy phép phải gửi bản sao giấy phép đã cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi cơ quan báo chí đặt trụ sở chính để phối hợp trong công tác quản lý.
Xem thêm tại Luật Quảng cáo sửa đổi 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
27