
07 quy định về bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Quốc hội thông qua Luật Việc làm 2025 (Luật số 74/2025/QH15) ngày 16/6/2025. Sau đây là một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm 2025:
1. Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp
Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 29 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.
- Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
- Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích; bảo đảm an toàn, tăng trưởng và được Nhà nước bảo hộ.
2. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 30 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
+ Tư vấn, giới thiệu việc làm;
+ Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề;
+ Trợ cấp thất nghiệp;
+ Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
- Trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm, căn cứ tình hình thực tế và kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ khác.
3. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 31 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
+ Người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
+ Người làm việc theo hợp đồng làm việc;
+ Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng khác ngoài đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
4. Quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 32 Luật Việc làm 2025 quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Việc xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp, điều chỉnh thông tin đăng ký kê khai tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đồng bộ với việc xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều chỉnh thông tin đăng ký kê khai tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Việc tham gia, đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp được ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm 2025.
5. Các quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp
Các quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 33 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng;
+ Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Luật Việc làm 2025 và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Việc làm 2025 để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Việc làm 2025 hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì người sử dụng lao động đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.
- Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Người sử dụng lao động được giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật trong thời gian không quá 12 tháng khi tuyển mới và sử dụng người lao động là người khuyết tật.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
6. Căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 34 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng và thực hiện đồng thời với việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Việc truy thu, truy đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện cùng với việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
7. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 35 Luật Việc làm 2025 như sau:
- Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp được bảo lưu theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 41 Luật Việc làm 2025.
- Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.
Luật Việc làm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật Việc làm 2013 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 41/2024/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Việc làm 2025 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 55 Luật Việc làm 2025.
225