Văn bản hợp nhất về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản

Bài viết cung cấp thông tin về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản.

Văn bản hợp nhất về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản (Hình từ Internet)

Ngày 10/7/2025, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Văn bản hợp nhất 07/VBHN-TANDTC của Thông tư quy định về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản

Văn bản hợp nhất 07/VBHN-TANDTC

Văn bản hợp nhất về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản

Theo đó, Văn ban hợp nhất 07/VBHN-TANDTC đã hợp nhất Thông tư 01/2015/TT-CA ngày 08/10/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về Quy chế làm việc của các Tổ thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 26/11/2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2025/TT-TANDTC ngày 30/6/2025 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025

Sau đây là quy định về việc thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

(1) Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật phá sản 2014 được thành lập ở Tòa án nhân dân khu vực để giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

(2) Trong thời hạn giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân khu vực căn cứ vào tính chất của vụ việc phá sản quyết định thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

(3) Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy nhiệm của Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ việc phá sản phải ban hành quyết định thành lập Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán và giao cho một Thẩm phán làm Tổ trưởng.

(4) Việc thay đổi, bổ sung Thẩm phán để thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Thẩm phán không tiếp tục thực hiện được nhiệm vụ của mình vì lý do sức khỏe, nghỉ hưu, chuyển công tác, chưa được bổ nhiệm lại khi hết nhiệm kỳ, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác hoặc thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật phá sản 2014, thì việc thay đổi Thẩm phán thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật phá sản 2014;

- Trường hợp Thẩm phán đang giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhận thấy vụ việc phá sản thuộc trường hợp phải thành lập Tổ Thẩm phán được hướng dẫn tại khoản (2) thì báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân phân công bổ sung hai Thẩm phán để thành lập Tổ Thẩm phán,

- Trường hợp Tổ Thẩm phán đang giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà Tổ trưởng Tổ Thẩm phán nhận thấy vụ việc phá sản không thuộc trường hợp phải thành lập Tổ Thẩm phán được hướng dẫn tại khoản (2) mà chỉ cần một Thẩm phán giải quyết thì Tổ trưởng Tổ Thẩm phán báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân để xem xét, quyết định việc phân công một Thẩm phán giải quyết thay cho Tổ Thẩm phán.

(5) Việc thay đổi, bổ sung Thẩm phán phải được xem xét, quyết định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, đề nghị và phải được gửi ngay cho người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền

 

18

tin noi bat
Tin mới
Các tin khác