
Cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh và xã (Hình từ internet)
Cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh và xã
Ngày 08/7/2025 Chính phủ ban hành Nghị định 198/2025/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 4 Điều 9, khoản 6 Điều 38 và Điều 44 Luật Phòng không nhân dân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; phạm vi và độ cao chướng ngại vật phòng không của trận địa phòng không; chế độ chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân và nội dung quản lý nhà nước về phòng không nhân dân.
Trong đó, tại Điều 7 Nghị định 198/2025/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh và xã cụ thể như sau:
Vị trí, chức năng
Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh, cấp xã được thành lập để giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ và hoạt động phòng không nhân dân trên địa bàn quản lý.
Nhiệm vụ
- Tham mưu soạn thảo, ban hành các văn bản chỉ đạo và xem xét, quyết định về phương hướng, nhiệm vụ phòng không nhân dân của địa phương;
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân ở cấp mình;
- Tham mưu xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, diễn tập phòng không nhân dân cho các đối tượng;
- Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung phòng không nhân dân của cấp mình và các địa phương thuộc quyền;
- Tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động phòng không nhân dân;
- Tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng; kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng không nhân dân;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được cấp có thẩm quyền giao.
Cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh
- Trưởng ban chỉ đạo là một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Phó Trưởng ban chỉ đạo
+ Phó Trưởng ban Thường trực là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoặc Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự;
+ Phó Trưởng ban chỉ đạo là một Phó Giám đốc Công an.
- Ủy viên Ban chỉ đạo
+ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy phòng thủ khu vực, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự;
+ Một lãnh đạo thuộc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân;
+ Một lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh;
+ Một số cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy quân sự.
Cơ cấu tổ chức Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp xã
- Trưởng ban chỉ đạo là một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Phó Trưởng ban chỉ đạo
+ Phó Trưởng ban Thường trực là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;
+ Phó Trưởng ban chỉ đạo là một phó Trưởng Công an.
- Ủy viên Ban chỉ đạo là một số cán bộ do Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh chỉ định; một Phó Trưởng Công an; các Trưởng thôn (khóm, ấp), Tổ trưởng tổ dân phố và một số cán bộ chủ chốt theo cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan quân sự địa phương tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thành phần tham gia Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp mình phù hợp với tổ chức biên chế và yêu cầu nhiệm vụ phòng không nhân dân của địa phương.
- Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp tỉnh là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự; tham mưu giúp việc cho cơ quan thường trực là phòng (ban) phòng không cùng cấp.
Cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp xã là Ban chỉ huy quân sự cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, hoạt động của cơ quan thường trực do Trưởng ban chỉ đạo phòng không nhân dân cùng cấp quyết định.
14
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN