
Đã có Nghị định 189/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính (Hình từ internet)
Đã có Nghị định 189/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 01/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 189/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định này quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh theo quy định tại khoản 2 Điều 37a Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020, 2025 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Đối tượng áp dụng bao gồm:
- Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như sau:
- Căn cứ quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh quy định tại Nghị định này, nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; mức phạt tiền cụ thể của từng chức danh; thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt; thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính.
- Việc quy định chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị định 189/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành nghị định để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, thì việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh được thực hiện như sau:
- Đối với chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà không thay đổi tên gọi và nhiệm vụ, quyền hạn hoặc có sự thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, thì tên gọi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh đó được áp dụng theo tên gọi, thẩm quyền tương ứng quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
- Đối với chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước mà có sự thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn, thì chức danh tiếp nhận nhiệm vụ, quyền hạn đó có thẩm quyền xử phạt. Tên gọi, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo tên gọi, thẩm quyền tương ứng quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
- Đối với chức danh chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước nhưng được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định này, thì thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý theo quy định tại Nghị định này cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế.
104
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN