
Phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt từ 01/01/2026 (Hình từ Internet)
Phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt từ 01/01/2026
Quốc hội thông qua Luật đường sắt 2025, có hiệu lực từ 01/01/2026.
Theo Luật đường sắt 2025, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development, gọi tắt là TOD) là giải pháp quy hoạch, đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.
Dự án đường sắt địa phương theo mô hình TOD là dự án đầu tư được lập cho toàn tuyến hoặc một phần tuyến đường sắt địa phương kết hợp với đầu tư phát triển đô thị trong khu vực TOD.
Theo Điều 25 Luật đường sắt 2025 phát triển đô thị theo mô hình TOD đối với đường sắt được quy định như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khu vực TOD đối với đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, phương án tuyến công trình, vị trí công trình, tổng mặt bằng tuyến đối với đường sắt địa phương và có thẩm quyền:
- Quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chức năng sử dụng các khu đất, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng trong khu vực TOD khác với quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nhưng phải bảo đảm không vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực TOD và vùng phụ cận;
- Quyết định phạm vi khu vực TOD và nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện khác với quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan. Sau khi phê duyệt quy hoạch khu vực TOD, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch khác có liên quan phải được kịp thời cập nhật và công bố;
- Trường hợp quy hoạch chung của thành phố trực thuộc trung ương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố căn cứ quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến công trình, vị trí công trình, tổng mặt bằng tuyến, quy hoạch khu vực TOD.
(2) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch khu vực TOD tạo quỹ đất đấu giá theo quy định của pháp luật.
(3) Số tiền thu được từ khai thác quỹ đất khu vực TOD:
- Đối với đường sắt quốc gia, sau khi trừ đi chi phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực TOD và chi phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% nộp vào ngân sách địa phương và 50% nộp vào ngân sách trung ương;
- Đối với đường sắt địa phương, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 100% nộp vào ngân sách địa phương.
(4) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung mục (1).
Thủ tục đầu tư dự án đường sắt địa phương theo mô hình TOD
Điều 26 Luật đường sắt 2025 trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt địa phương, dự án đường sắt địa phương theo mô hình TOD được quy định như sau:
Khi thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt địa phương, dự án đường sắt địa phương theo mô hình TOD, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
- Tổ chức lập, thẩm định, quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh dự án theo trình tự, thủ tục tương tự như dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án trong trường hợp không làm tăng tổng mức đầu tư và không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án;
- Quyết định lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng cho tuyến đường sắt địa phương sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Xem thêm tại Luật đường sắt 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026.
9
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN