
Đề xuất không áp dụng tù chung thân không xét giảm án với tội tham ô, tội nhận hối lộ trong một số trường hợp (Hình ảnh từ Internet)
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.
 |
Dự thảo Luật |
Đề xuất không áp dụng tù chung thân không xét giảm án với tội tham ô, tội nhận hối lộ trong một số trường hợp
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đề xuất bổ sung Điều 39a sau Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tù chung thân không xét giảm án như sau:
- Tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
- Không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với các trường hợp sau đây:
+ Người dưới 18 tuổi khi phạm tội; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
+ Người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
- Người bị kết án chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.
- Trong trường hợp người bị kết án tù chung thân không xét giảm án được ân giảm, thì hình phạt tù chung thân không xét giảm án được chuyển thành tù chung thân.
Trước đó, tại Tờ trình 155/TTr-BCA năm 2025 thì Bộ Công an đã đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 05 tội danh theo Đề án “Rà soát, đánh giá những bất cập trong Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Thi hành án hình sự 2019 liên quan đến áp dụng hình phạt tử hình và thi hành án tử hình; nghiên cứu giảm bớt tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù” của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến (tại Công văn 13936-CV/VPTW ngày 25/3/2025 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương), gồm các tội danh sau:
- Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự).
- Tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114).
- Tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421 Bộ luật Hình sự 2015).
Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình và thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án ở một số tội danh khác như sau:
- Tội gián điệp (Điều 110);
- Tội tham ô tài sản (Điều 353);
- Tội nhận hối lộ (Điều 354).
|
Như vậy, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đề xuất người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm thời hạn.
Theo đó, người bị kết án chung thân không xét giảm án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân.
Xem thêm dự thảo Luật đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
27
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN