
Sẽ miễn thuế TNCN trong thời hạn 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm khi làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Hình ảnh từ Internet)
Sẽ miễn thuế TNCN trong thời hạn 2 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm khi làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Ngày 17/5/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ dự thảo đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 01/01/2026, thay vì 01/7/2026 như trước đây.
Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo nghị quyết đã quy định Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.
Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, nghị quyết nêu rõ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)...
Lương, tiền công bao nhiêu thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân 2025
Căn cứ tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 ( được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và bởi Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14) thì đối với người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/ năm) thì có thể nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân với trường hợp này người lao động có thể làm cam kết tạm thời để chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương tiền công 2025 bao gồm:
- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản:
+ Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh;
+ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;
+ Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật;
+ Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng và các khoản trợ cấp khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.
14
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN