
TPHCM: Hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động về hoạt động cho thuê lại lao động (Công văn 3592/SNV-LĐTLBHXH) (Hình từ văn bản)
Sở Nội vụ TPHCM ban hành Công văn 3592/SNV-LĐTLBHXH ngày 14/5/2025 về việc thực hiện pháp luật lao động về hoạt động cho thuê lại lao động.
 |
Công văn 3592/SNV-LĐTLBHXH |
TPHCM: Hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động về hoạt động cho thuê lại lao động (Công văn 3592/SNV-LĐTLBHXH)
Thực hiện Công văn 1759/BNV-CTL&BHXH ngày 25/4/2025 của Bộ Nội vụ về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cho thuê lại lao động và Công văn 6710/VP-VX ngày 06/5/2025 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về cho thuê lao động;
Sở Nội vụ TPHCM đề nghị các doanh nghiệp có hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn Thành phố thực hiện công việc sau:
(1) Thường xuyên rà soát, kiểm tra hoạt động cho thuê lại lao động của doanh nghiệp phù hợp với các nguyên tắc hoạt động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cho thuê lại; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại theo quy định tại Điều 53, Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 58 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 14, Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể:
- Chỉ được cho thuê lại lao động làm các công việc theo danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động quy định tại Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Doanh nghiệp cho thuê thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản. Nội dung hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
(i) Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
(ii) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;
(iii) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
(iv) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
(v) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động;
- Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động; Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động; Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(2) Rà soát, kiểm tra nội dung của giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đã được cấp (tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thời hạn của giấy phép) đảm bảo phù hợp với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thời gian được phép hoạt động. Trường hợp có thay đổi một trong những nội dung của giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định tại Điều 27 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trường hợp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động sắp hết hạn và doanh nghiệp có nhu cầu gia hạn thì gửi hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép đến Sở Nội vụ trước ngày hết hiệu lực của giấy phép ít nhất 60 ngày làm việc, theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019.
(3) Trường hợp sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động, doanh nghiệp cho thuê lại gửi bản sao chứng thực giấy phép đến Sở Nội vụ tỉnh đó để theo dõi, quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(4) Qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về cho hoạt động thuê lại lao động, doanh nghiệp lưu ý một số vấn đề sau trong hoạt động:
- Doanh nghiệp thỏa thuận, giao kết hợp đồng lao động với người lao động cần đảm bảo đầy đủ các nội dung hợp đồng theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con; Xây dựng, ban hành quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 48 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội quy lao động phù hợp quy định pháp luật lao động;
- Một số hợp đồng cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động được ký kết dạng hợp đồng khung, chưa đầy đủ các nhóm nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Lao động 2019, đặc biệt các nội dung quan trọng đảm bảo ràng buộc nghĩa vụ của hai bên đối với quyền lợi của người lao động thuê lại chưa được quy định. Các nội dung ràng buộc trách nhiệm pháp lý hai bên và các biện pháp giải quyết tranh chấp xảy ra khi một trong hai bên hoặc cả hai bên vi phạm hợp đồng chưa được quy định trong hợp đồng.
Do đó, doanh nghiệp căn cứ quy định tại Điều 55 Bộ luật Lao động 2019 để thỏa thuận, ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động với bên thuê lại lao động đảm bảo phù hợp quy định pháp luật lao động.
- Công việc thực hiện cho thuê lại lao động đảm bảo thuộc danh mục 20 công việc được quy định tại Phụ lục II Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Lao động 2019.
- Thường xuyên rà soát việc thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) theo mức quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP tại ngân hàng thương mại của Việt Nam hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(5) Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm tình hình hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nội vụ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; đồng thời báo cáo Sở Nội vụ nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn đó (đối với trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động). Báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 12 theo đúng thời gian quy định.
(6) Các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp cho thuê lại lao động như: Không báo cáo tình hình cho thuê lại lao động theo quy định của pháp luật; Không niêm yết công khai bản chính giấy phép tại trụ sở chính và bản sao tại chi nhánh, văn phòng đại diện; Sử dụng giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động hết hiệu lực để thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động; Cho thuê lại lao động để thực hiện công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động; Cho thuê lại lao động đối với người lao động vượt quá 12 tháng; … thì bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung) theo quy định tại Điều 13 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Xem thêm tại Công văn 3592/SNV-LĐTLBHXH ban hành ngày 14/5/2025.
10
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN