
Đề xuất bảo đảm tỉ lệ học sinh THCS lên THPT đạt ít nhất 95% (Hình từ Internet)
Đề xuất bảo đảm tỉ lệ học sinh THCS lên THPT đạt ít nhất 95%
Tại Dự thảo Nghị định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục (sau đây gọi là Dự thảo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bảo đảm tỉ lệ học sinh THCS lên THPT đạt ít nhất 95%, thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:
- Xác định tỷ lệ phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bảo đảm 100% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tiếp cận dịch vụ hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp; ít nhất 20% người học trong độ tuổi từ 15-25 theo học giáo dục nghề nghiệp; tỉ lệ chuyển tiếp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt ít nhất 95%.
- Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu, học liệu theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thực hiện các nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục.
- Huy động và bố trí nguồn lực, ngân sách để thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục tại địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục; cập nhật và phổ biến thông tin về thị trường lao động tại địa phương đến các cơ sở giáo dục và cơ sở đào tạo trên địa bàn.
- Biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên địa bàn; trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục tại các địa phương.
Định hướng và biện pháp phân luồng trong giáo dục
Theo Điều 5 Dự thảo, định hướng phân luồng trong giáo dục
- Trong quá trình giáo dục, học sinh được định hướng phân luồng sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.
- Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, gồm: Học chương trình giáo dục trung học phổ thông; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình giáo dục thường xuyên; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.
- Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông, gồm: Học chương trình đào tạo trình độ đại học; học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.
Điều 6 Dự thảo, biện pháp hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục
(1) Biện pháp hướng nghiệp trong giáo dục
- Tích hợp, lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.
- Thực hiện hướng nghiệp thông qua hoạt động giáo dục, hoạt động tư vấn, trải nghiệm thực tế.
- Phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động hướng nghiệp.
(2) Biện pháp phân luồng trong giáo dục
- Xây dựng các môn học lựa chọn, môn học tự chọn, chuyên đề giáo dục hướng nghiệp và thực hiện trong các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh làm cơ sở cho việc định hướng phân luồng hiệu quả tại các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức liên kết giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học nghề hoặc trường trung học kỹ thuật để học sinh được học văn hóa kết hợp với học nghề.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.
Lê Quang Nhật Minh
16
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN