Cả nước có 34 tỉnh thành mới và 3321 xã, phường, đặc khu sau sáp nhập đơn vị hành chính
Ngày 09/5/2025 Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 và Nghị quyết thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025.
Cụ thể, tại Nghị quyết 125/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ đã thông qua hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Đồng thời, tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 9/5/2025, Chính phủ cũng đã thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 do Bộ Nội vụ trình.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 5/5/2025 của Chính phủ. Các Nghị quyết trên có hiệu lực từ ngày 9/5/2025.
Theo nội dung tờ trình của Bộ Nội vụ, UBND của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới) vừa qua đã chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng 23 hồ sơ đề án sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM) và 28 tỉnh (gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang).
Đối với số lượng đơn vị hành chính cấp xã, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (sau sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh), cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2636 xã, 672 phường và 13 đặc khu.
Trong đó có 3.193 đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới do sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã và 128 đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên). Như vậy tổng số đơn vị hành chính cấp xã giảm 6.714 so với trước khi sắp xếp (đạt tỷ lệ giảm 66,91%).

Cả nước có 34 tỉnh thành mới và 3321 xã, phường, đặc khu sau sáp nhập đơn vị hành chính (Hình từ internet)
Dự kiến Phương án bố trí, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập
Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, theo đó dự kiến phương án tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
Đối với lĩnh vực giáo dục: Giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý.
Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay dự kiến chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực (liên xã, phường).
Đối với lĩnh vực y tế: Duy trì các Trạm Y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn. Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của ĐVHC cấp xã mới có thể tố chức lại thành 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã, nhưng trước mắt các Trạm y tế cũ bố trí làm các "điểm trạm" phục vụ việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa bàn ở ĐVHC cấp xã (cũ).
Đối với các Trung tâm Y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện hiện nay dự kiến chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực (liên xã, phường).
Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công khác trên địa bàn ĐVHC cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
60
HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN